Người xưa dạy: An cư lạc nghiệp. Cho dù vật đổi sao dời thì với người Việt mình, câu ấy luôn luôn đúng.
Tôi năm nay đã bước sang U70 nhưng để “an cư” được cũng đã phải trải qua 5 lần làm nhà, từ xây mới cho đến cơi nới.
Tôi vào công tác ở Tây Nguyên từ năm 1979. Hồi đó nghĩ, cố gắng bám trụ dăm ba năm rồi xin chuyển về quê bởi ngày đi, mẹ tôi đã giao giá như thế. Nhưng ai mà sắp đặt trước được số phận cuộc đời. Đất ba zan níu chặt đời tôi. Tây Nguyên trở thành quê hương thứ hai. Tôi xây sự nghiệp và tổ ấm gia đình từ mảnh đất đầy nắng gió nhưng đậm chất huyền thoại đó.
Năm 1988, vợ chồng tôi sau mấy năm chắt chiu từ đồng lương, từ nuôi heo (nuôi heo thực sự đấy) và chạy chợ của bà xã, làm được căn nhà 30m vuông, mái lợp tôn prô xi măng. Thực sự đối với tôi lúc ấy, đó quả là một công trình vĩ đại bởi ngôi nhà nhỏ đó, vợ chồng tôi làm từ A đến Z. Chồng cầm bay xây, tô, trát; vợ phụ hồ. Thỉnh thoảng có bạn bè và các em sinh viên đến hỗ trợ. Ba mươi mét vuông nhà mà tôi làm mất bốn tháng trời. Ngày làm xong, chuyển đồ đạc từ khu tập thể giáo viên ra nhà mới, vợ chồng tôi vui mừng khôn xiết, cứ ngỡ như mình đang mơ một giấc mơ đẹp.
Thế rồi mấy năm sau, con cái lớn dần lên. Ngôi nhà trở nên chật chội. Tôi lại tự cơi nới đến ba lần, thành ra, khu nhà trông chẳng giống ai. Thế nhưng tôi trân quý nó, đơn giản vì đó là nhà tôi. Ở đấy, tôi dành cả cuộc đời vun đắp cho mái ấm gia đình. Ở đấy, các con tôi sinh ra và lớn lên cho đến khi chúng trưởng thành, đủ lông đủ cánh bay vào trường đời. Ở đấy, chan đầy tình cảm thân thương và ăm ắp kỷ niệm của mỗi thành viên.
Cho nên, mãi trước khi nghỉ hưu một năm, vợ chồng tôi mới quyết định thay ngôi nhà cũ. Phần vì tuổi đời của nó, một căn nhà cấp bốn làm từ thời đói ăn thiếu mặc đã bắt đầu xuống cấp, hơn ba mươi năm rồi còn gì. Phần vì con cái ba đứa đều đã thành gia thất, ngày nghỉ chúng kéo cả ba “toa tàu” về, căn nhà không còn đủ sức chứa.
Thế là, được bao nhiêu tiền cả đời nhà giáo dành giụm để dưỡng già dồn hết vào “công trình thế kỷ”. Cũng may có các con hỗ trợ thêm. Ngôi nhà mới được kiến trúc sư thiết kế đàng hoàng chứ không phải như ngôi nhà cũ, tôi vừa vẽ, vừa xây. Nó to đẹp hơn, đàng hoàng hơn, đặc biệt là đủ chỗ cho mọi thành viên trong gia đình đoàn tụ những ngày lễ tết.
Ngày tháo dỡ ngôi nhà cũ, lòng tôi ngổn ngang bao tâm trạng. Một chút gì đó nuối tiếc. Nhưng biết làm sao được. Vạn vật đâu bất biến.
Trước ngày khởi công, hai vợ chồng hầu như không ngủ. Cả hai cứ trở mình hoài. Ba giờ sáng, chúng tôi thức dậy làm lễ động thổ để sáng hôm ấy, thợ đến khai móng.
Sau hơn năm tháng xây dựng, ngôi nhà mơ ước hoàn thành. Suốt thời gian đó, vợ chồng tôi cũng phơi nắng phơi mưa cùng anh em thợ, bởi ai cũng muốn tự góp một chút công sức vào tổ ấm mới của mình.
Nếu như hơn ba mươi năm trước, khi chuyển từ khu tập thể chật chội ra ngôi nhà mới chỉ ba mươi mét vuông nhưng thoáng đãng, tôi cảm thấy tâm trạng mình như đang giữa cơn mơ, bởi trước đó chưa dám nghĩ đến sẽ có ngày hôm nay. Còn bây giờ, được ở trong căn nhà rộng rãi, bốn phía tràn ngập ánh sáng mặt trời mà vẫn ấm cúng, mát mẻ, tôi bỗng thấy lòng mình lâng lâng nhẹ nhõm. Có lẽ vì mình đã ở cái tuổi mà bao nhiêu hỉ nộ ái ố của cuộc đời đã từng nếm trải chăng?
Ngôi nhà mới, cũng chỉ là cấp bốn cộng thôi, nhưng bạn bè hay đùa vui là biệt phủ. Thì biệt phủ quá đi chứ lỵ. Đời nhà giáo được như thế là mãn nguyện lắm rồi, dù hơi muộn.
Ngôi nhà mới được thiết kế bài bản nên phải nói là rất tiện nghi trong sinh hoạt. Đấy là điều mà hai vợ chồng tôi tâm đắc nhất. Nhưng quan trọng hơn, nó là nơi bình yên để mỗi thành viên trong gia đình dẫu có đi xa lại muốn trở về.