Bây giờ thì, mỗi lần về quê, tôi lại chạy bộ ra bến đò Vạn Rú, ngắm nhìn trời nước sông Lam, lòng bồi hồi với những kỷ niệm đẹp của một thời con trẻ.
Bến đò Vạn Rú
(Đoản văn, Nguyễn Duy Xuân)
Sông quê vẫn đợi vẫn chờ
Hôm nay đón đứa con xa trở về
Lần nào về quê tôi cũng tranh thủ chạy ra nơi bến đò Vạn Rú, lội xuống nước, “úp mặt vào sông quê. Đời tôi gắn bó với hai con sông thân thương, luôn đau đáu trong hoài niệm của mình về quê hương xứ sở. Đó là sông Lam quê cha đất tổ và sông Gianh quê vợ.
Sông Gianh làm bạn với tôi từ ngày tôi làm rể làng Lệ Sơn (Văn Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình). Nhà mẹ vợ ngay sát bờ sông, chỉ vài chục bước chân đã tới bến. Đấy là nơi gắn bó thuở tóc còn xanh với bao kỷ niệm: “Sông quê bên lở bên bồi/Bến thương xưa của một thời còn đâu?”.
Nhớ nhất có một lần xuống bến tắm vào lúc hoàng hôn, bị hụt chân suýt trôi theo dòng nước. Tôi không biết bơi, cố hết sức quẫy đạp. May mà Linh giang (tên cổ của sông Gianh) thương tình chú rể còn trinh nguyên nên đã giang tay đẩy tôi vào bờ. Thật hú vía, nhớ đời.
"Úp mặt vào sông"... Gianh
Mấy năm sau, mẹ vợ tôi bán nhà vào Nam ở cùng con cháu. Ngôi nhà cũ nhỏ bé không còn. Thế nhưng mỗi lần về quê ngoại, việc đầu tiên tôi phải làm cho bằng được là đến mảnh vườn xưa, thả hồn vào ký ức. Rồi men theo con đường nhỏ ra sông, xuống bến “úp mặt vào sông quê”, tận hưởng cái cảm giác khoan khoái từ làn nước mát rượi. Nhưng thế vẫn chưa đủ, tôi lại nhảy ùm xuống dòng nước trong xanh mà vùng vẫy. Ba bốn năm mới có dịp về quê, phải “hết mình” với dòng Gianh cho thỏa khao khát đợi chờ.
*
Từ nhà tôi ra sông Lam phải vượt qua bãi sông rộng chừng 1 ki lô mét. Bãi sông ấy lại chia đôi bởi địa giới hai xã Nam Lâm (tên xã hồi tóc còn để chỏm, khi chưa nhập với Nam Quang, Nam Mỹ thành Xuân Lâm ngày nay) và Nam Đông bên kia sông. Cái lằn ranh vô hình ấy là rào cản khiến tôi ít có dịp tiếp xúc với sông quê. Nhưng có lẽ vì thế mà mỗi lần đến với nó đều để lại ấn tượng không phai mờ trong tâm trí mình.
Đó là vài lần đi cắt cỏ tận bờ sông giữa nắng hè cháy da trong tiếng gầm rú của máy bay Mỹ. Lần ngồi đò ông Chắt Bính, leo lên núi phía sau đập Hao Hao, cắt cỏ về để dành cho bò ăn Tết (Nguyên đán).
Đặc biệt là lần theo chúng bạn qua đò Vạn Rú đi thi học sinh giỏi năm lớp Bốn tại Nam Phúc. Lần đầu tiên tôi được đi đò. Tâm trạng sợ sệt, âu lo choáng ngợp trong lòng cậu bé mới hơn mười tuổi khi con đò nhỏ bé chòng chành rời bến ra giữa dòng sông mênh mông. Chỉ đến khi đặt chân lên bờ, cảm thấy chắc chắn rồi thì tôi mới hết sợ.
Nói thêm về bến đò Vạn Rú.
Bến đò này thuộc địa phận xã Nam Đông, bây giờ là xã Khánh Sơn. Bến phía hữu ngạn xuất phát từ chân rú Đồn (Núi Đồn). Rú Đồn có vị thế đắc địa, không to lắm nhưng nằm sát bờ sông, nên quân Pháp xưa cho xây đồn bốt trên núi nhằm kiểm soát tàu bè qua lại trên sông Lam. Tên rú Đồn có lẽ xuất phát từ đó.
Nơi đây có làng chài đông đúc, người dân làm nghề chài lưới, đưa đò qua sông. Bến đò ngay dưới chân núi, lại có làng vạn chài nên cái tên bến đò Vạn Rú cũng bắt nguồn từ đó chăng?
Bến đò Vạn Rú từng là “tọa độ lửa” vô cùng ác liệt thời chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Nơi đây, cùng với núi Trét, có con đường huyết mạch 15A và đường ống dẫn xăng dầu chi viện cho chiến trường miền Nam đi qua.
Đoạn đường 15A đi ven núi Trét hết sức hiểm trở, bên núi, bên sông, tạo thành một “nút thắt” trong hành trình chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, là “túi” hứng bom của giặc Mỹ với mật độ hằng ngày 8 đến 10 loạt bom.
Đường ống xăng dầu vượt đê Tả Lam, băng qua bãi sông trống trải, chui dưới lòng sông Lam đoạn qua bến đò Vạn Rú, tiếp tục vươn vào Nam, đáp ứng nhu cầu của chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang thời đánh Mỹ.
Tuyến hành quân của bộ đội ta ngày ấy theo hướng xuôi đê tả Lam, đến địa bàn xã Xuân Lâm rồi qua bến đò Vạn Rú.
Trong những năm tháng bom đạn ác liệt đó, quân và dân hai bờ bến đò với các đội chèo thuyền cảm tử đã vận chuyển hàng vạn bộ đội cùng các loại vũ khí, khí tài qua sông an toàn. Bến đò Vạn Rú - Rú Trét đã chứng kiến sự ngã xuống của biết bao cán bộ, chiến sỹ và nhân dân.
Nơi địa danh lịch sử này cần lắm một tấm bia tưởng niệm, vinh danh những người đã ngã xuống trên mảnh đất này, nhắc nhở các thế hệ con cháu về một thời ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng của ông cha.
Bây giờ thì, mỗi lần về quê, tôi lại chạy bộ ra bến đò Vạn Rú, ngắm nhìn trời nước sông Lam, lòng bồi hồi với những kỷ niệm đẹp của một thời con trẻ.