Chuyên mục mới của Nguyenxduyxuan.net
Nước Việt Nam ta từ thuở khai quốc tới nay, Làng là đơn vị hành chính đặc trưng, mang tính ổn định. Làng là sản phẩm từ ngàn đời nay của nền văn minh lúa nước. Người Việt gắn bó chung thủy với nó, và dường như mọi biến động của lịch sử ít tác động tới bản chất của Làng.
Làng Việt mang những nét văn hóa truyền thống nhưng cũng ẩn chứa trong nó những “thói hư tật xấu”, làm nên những thuộc tính cố hữu khó thay đổi của con người Việt Nam.
Thời hiện đại, văn minh công nghiệp đã và đang làm thay đổi bộ mặt đất nước. Cái “chất” làng dường như đang biến động trước cơn lốc đô thị hóa. Không còn những ngõ trúc quanh co, những liếp nhà gianh nép mình bên lũy tre xanh… Nhưng đó có lẽ là sự thay đổi bên ngoài, thuần túy vật chất, hệ quả của việc đô thị hóa nông thôn. Có một thứ không dễ gì thay đổi, đó là nếp nghĩ, nếp làm mà ta quen gọi là tư tưởng tiểu nông. Nó bền chặt lắm và xem ra, văn minh đô thị không đồng hóa được nó, ngược lại nó đang đồng hóa người anh em đến từ thế giới phương Tây, dù đã có mặt ở dải đất hình chữ S này ngót một trăm năm.
Bạn có tin điều đó không ?
Thì đây: Trước năm 1945, 95% dân số nước ta làm nông nghiệp, bây giờ, con số 95% ấy lại là tỉ lệ dân thành thị có gốc từ nông dân. Văn minh phương Tây ào ạt vào Việt Nam gặp phải sức “kháng cự” đông đảo (bởi cái tỉ lệ nói trên) của văn hóa Làng tạo thành một thứ sản phẩm chẳng giống ai.
Độc đoán, gia trưởng, ích kỉ, bảo thủ, cha chung không ai khóc… Những lề thói ấy của văn hóa Làng đã ăn sâu vào tâm thức, không dễ gì loại bỏ ngay được. Nó vẫn âm ỉ tồn tại không chỉ ở làng quê mà cả chốn thị thành và ngay cả nơi công sở của các cơ quan nhà nước. Bởi phần lớn công chức cũng từ nông dân mà ra. Cho nên cung cách làm việc, ứng xử theo kiểu “lệ làng” phổ biến khắp mọi nơi. Vì thế mới có chuyện mua quan bán việc; quan chức phạm tội nơi này thì chuyển đi nơi khác hoặc là được thăng chức; văn bản pháp qui mạnh ai nấy làm bất chấp lợi ích của cộng đồng. Vân vân và vân vân. Ở bất cứ làng quê, phố xá hay cơ quan nào, hỉ nộ ái ố đều giống nhau cả, tốt xấu hay giở đan xen.
Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc là phải đấu tranh loại bỏ những biểu hiện tiêu cực nói trên. Chỉ có như vậy chúng ta mới xây dựng được một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Vì lẽ đó, Nguyenduyxuan.net mở chuyên mục CHUYỆN LÀNG đăng tải các sáng tác thuộc các thể loại thơ, tiểu phẩm, tạp văn, truyện ngắn xoay quanh chủ đề nói trên, hi vọng góp một tiếng nói nho nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Rất mong nhận được sự hưởng ứng và cộng tác của quí vị.
24-8-2013
Nguyenduyxuan.net
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Xuân
Ý kiến bạn đọc