Sự thật bất ngờ về Bà chúa Kho có thật trong lịch sử

Thứ hai - 14/01/2019 01:12
- Bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước ta lãnh đạo thành công việc sơ tán và bảo vệ được kho tàng, lương thực cùng sinh mệnh của nhiều người khác. Chính do công lao này mà người dân các thế hệ đã xem bà cũng là một "bà chúa Kho”.
 
Linh Từ quốc mẫu là tôn hiệu của một người phụ nữ rất đặc biệt trong bối cảnh chuyển giao triều chính giữa nhà Lý và nhà Trần, người mà sử sách có những đánh giá, ghi chép, bình phẩm khác nhau. Tuy nhiên, có một điều ít ai hay, trong tâm thức dân gian, Linh Từ quốc mẫu cũng được coi là một Bà chúa Kho.

Từ cô gái thuyền chài thành bà hoàng triều Lý

Nhà Lý truyền ngôi đến lời Lý Cao Tông thì triều chính đã đi xuống, xã hội rối loạn, trộm cướp nổi lên khắp nơi, dân tình oán thán. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên trong sách Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá về Lý Cao Tông như sau: “Vua đắm đuối chơi bời, say mê thanh sắc, ham của cải, thích xây dựng, dạy các quan lười biếng, ham mê để trăm họ phải ta oán, làm cho phúc nhà Lý ngày một hao mòn, đến nỗi mất nước. Kinh Thi có câu: “Bên trong mê sắc đẹp, bên ngoài mê săn bắn, ham rượu, thích nhạc, nhà cao tường đẹp, người nào phạm một trong các điều ấy tất phải diệt vong”, mà vua thì phạm đủ các điều ấy, còn làm gì được… Bởi Cao Tông chơi bời không chừng mực, rường mối đã hỏng rồi nên mới thế”.

Năm Kỷ Tị (1209), tướng Quách Bốc bất bình vì vua nghe lời gièm pha mà giết chết chủ soái của mình là Phạm Bỉnh Di nên đã đem quân đánh vào hoàng cung để làm loạn, khiến vua phải bỏ chạy nên Quy Hóa giang (nay thuộc Yên Bái, Phú Thọ). Mọi người trong hoàng tộc cũng tứ tán lánh nạn khắp nơi, thái tử Lý Sảm chạy về thôn Gia Lưu, vùng Hải Ấp (nay là làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, Thái Bình), nghe tiếng con gái của Trần Lý có nhan sắc, bèn lấy làm vợ.

Người con gái ấy tên thật là Trần Thị Dung, còn có tên khác là Trần Thị Ngự, theo dã sử bà thuở nhỏ có tên là Ngừ (theo tên một loài cá), gia đình bà xuất thân chài lưới nhưng về sau trở lên giàu có và có thế lực trong vùng. Được sự ủng hộ của lực lượng họ Trần trong việc dẹp loạn, cuối năm Canh Ngọ (1210), Thái tử đã trở lại kinh đô và được vua cha là Lý Cao Tông truyền ngôi (tức Lý Huệ Tông). Ngay sau khi lên làm vua ông đã sai người đến đón Trần Thị Dung về Thăng Long phong làm Ngự nữ, rồi thăng lên làm Thuận Trinh phu nhân, tiếp đó là Nguyên phi và cuối cùng là phong làm Hoàng hậu Kiến Vũ vì thế sau này dân gian còn gọi là bà chúa Ngừ hoặc bà chúa Phù Ngự.

Trở thành bà hoàng trong cung đình triều Lý, không chỉ anh em họ hàng của bà Trần Thị Dung được phong chức tước, nắm các chức vụ quan trọng trong triều mà các cháu của bà cũng lần lượt được đưa vào triều nội khiến thế lực họ Trần ngày một mạnh, dần ngấp nghé, nhòm ngó ngôi vua.

Người phụ nữ mở nghiệp nhà Trần

Lý Huệ Tông làm vua nhưng không có tài điều hành chính sự, bản thân vua sức khỏe yếu nên ủy thác cho anh em họ Trần đứng đầu là Trần Tự Khánh rồi tiếp đó là Trần Thừa, Trần Thủ Độ thay mình lo chuyện quốc gia đại sự. Đến năm Đinh Sửu (1217) “mùa xuân, tháng 3, vua dần phát chứng điên, có lúc nói là Thiên tướng giáng hạ, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, đùa múa từ sáng sớm đến chiều không nghỉ; có khi thôi đùa nghịch thì đổ mồ hôi, nóng bức và khát nước, uống rượu say ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Dã sử cho hay, vua phát điên, nhiều lúc tự xưng là Thiên tướng giáng trần, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc mà múa hát :

Ta đây là tướng nhà trời,
Hôm nay giáng thế cho người sợ oai.

Cứ như vậy liên tục, từ sớm đến chiều không nghỉ, khi múa xong thì đổ mồ hôi, nóng bức khát nước lại uống rượu say, ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh. Một thời gian sau vua khỏi bệnh nhưng đến năm Canh Thìn (1220) lại bị trúng phong, chữa không hiệu nghiệm gì nên vua chỉ ở trong cung, quyền hành rơi dần vào tay họ Trần. Sau đó vua chán nản mọi việc, lại bị quyền thần gây sức ép phải truyền ngôi cho con gái vào tháng 10 năm Giáp Thân (1224) rồi đi tu, lấy pháp danh là Huệ Quang đại sư.

Người được truyền ngôi là cong gái thứ của Lý Huệ Tông, tức công chúa Chiêu Thánh khi đó mới lên 8 tuổi. Người con gái này do Hoàng hậu Kiến Vũ Trần Thị Dung sinh ra vào tháng 9 năm Mậu Dần (1218), kế vị hiệu là Lý Chiêu Hoàng, vì vua nữ còn nhỏ tuổi nên Hoàng hậu Kiến Vũ, lúc này đứng vai trò là Thái hậu đã thành người nhiếp chính.

Bấy giờ, trong cung cấm, ngoài triều đình đều do họ Trần thao túng, Thái hậu cùng em họ (có sách chép là anh họ) là quan điện tiền Chỉ huy sứ là Trần Thủ Độ bàn mưu tính kế đoạt quyền bính của họ Lý, lại xuống chiếu tuyển lựa con em các quan trong ngoài, sung làm nội sắc dịch thay phiên lên hầu vua nhưng thực chất đưa con cháu mình vào giữ các chức vụ trong cung, như cháu họ là Trần Bất Cập làm Cận thị thự lục cục Chi hậu; Trần Thiêm làm Chi hậu cục; Trần Cảnh làm Chính thủ...

Trần Cảnh lên 8 tuổi, được trực tiếp hầu Lý Chiêu Hoàng, vì cung lứa tuổi nên Chiêu Hoàng rất thích, thường nô nghịch cười đùa với Trần Cảnh”. Lợi dụng chuyện đó, Trần Thủ Độ “đạo diễn” sự kiện nữ hoàng lấy Trần Cảnh làm chồng, lại dựng lên “màn kịch” vợ nhường ngôi cho chồng với bài chiếu nhường ngôi được ban bố vào ngày 21 tháng 11 năm Ất Dậu (1225) và chính thức nhường ngôi vào ngày 11 tháng Chạp năm Ất Dậu (1225).

Trong sự kiện “chuyển giao ngôi vua” này, Thái hậu Trần Thị Dung đóng vai trò quan trọng, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Thái hậu là con gái Trần Lý, khi Lý Huệ Tông làm Thái tử vì tránh quốc nạn phải chạy ra miền Hải Ấp, Thái tử trông thấy Trần thị tỏ ý hài lòng, rồi lấy làm vợ, sau sách phong làm Hoàng hậu. Gặp lúc ấy trong nước loạn lạc, Hoàng hậu mới cùng với Thủ Độ tư thông, rồi bàn mưu ở trong cung làm tờ chiếu để vua nhà Lý truyền ngôi cho nhà Trần, vì thế mà nhà Lý mất ngôi vua”.

Trong sách Đại Việt sử ký tiền biên khi nói về vai trò của Trần Thị Dung với việc thay đổi vương triều, đã chép ngắn gọn như sau: “Người con gái nhà thuyền chài ở Thiên Trường, mà rốt cuộc đã làm thay đổi xã tắc, mệnh trời bất thường như vậy thật đáng sợ thay!”.

Nhận xét về bà, nhà sử học Ngô Sĩ Liên có đánh giá rất xác đáng như sau: “Nói về phần giúp đỡ nội trị cho nhà Trần thì Linh Từ có nhiều công to, còn về phần báo đáp nhà Lý thì không có gì cả. Thế mới biết trời sinh ra Linh Từ cốt để mở nghiệp nhà Trần, việc thì giống như họ Đồ Sơn lấy nhà Hạ, nhưng mà đức thì không có. Đạo biến của trời như thế đấy, chẳng huyền vi lắm sao?” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Công lao của bà chúa Ngừ

Vì có công giành ngôi báu về cho họ Trần, nên vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) sau khi lên ngôi tuy danh nghĩa giáng Trần Thị Dung từ ngôi Thái hậu nhà Lý xuống làm Thiên Cực công chúa để gả cho Trần Thủ Độ, nhưng về sau lại phong bà là Linh Từ quốc mẫu.

Lại nói về nhà Trần có lệ người trong họ lấy lẫn nhau, sử sách chê trách là do Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung mở đầu, sách Việt sử tiêu án viết: “Than ôi! Gây dựng lên triều đình nhà Trần là triều đình dâm loạn như loài chim muông, là từ việc Thủ Độ lấy Thiên Cực mở đầu ra đó”.

Ngoài sự chê trách này, sử sách còn cho rằng vợ bà Trần Thị Dung đã can thiệp trực tiếp vào chuyện phế lập ngôi hoàng hậu của vua Trần Thái Tông. Tháng giêng năm Đinh Dậu (1237), lấy cớ Chiêu Thánh không sinh được con, Trần Thủ Độ cùng với vợ ép vua phải phế ngôi hoàng hậu của Chiêu Thánh. Đồng thời với việc truất ngôi Hoàng hậu của Chiêu Thánh, hai vợ chồng Trần Thủ Độ còn tạo ra sự kiện động trời “vua cướp vợ, cướp con của anh”. Bấy giờ họ thấy công chúa Thuận Thiên (Lý Ngọc Oanh) đang có mang người con của Trần Liễu (anh trai Trần Thái Tông) nên đã ép vua phải lấy lấy chị dâu làm vợ, nhận con anh làm con mình. Công chúa Thuận Thiên bị đưa vào cung thành vợ của em chồng với địa vị mới là Thuận Thiên hoàng hậu.

Sau này, vào tháng giêng năm Mậu Ngọ (1258) công chúa Chiêu Thánh lại được gá nghĩa làm vợ tướng quân Lê Phụ Trần. Thế là chị em Chiêu Thánh, Thuận Thiên, đều trải qua hai đời chồng; người thì từ ngôi vị hoàng hậu trở thành phu nhân tướng quân, người thì từ phu nhân hoàng thân lại trở thành hoàng hậu. Nhưng còn một điều đặc biệt nữa là mẹ của họ là Trần Thị Dung cũng có số phận qua 2 lần đò như các người con gái của mình.

Tuy sử sách có những nhận xét, đánh giá về Trần Thị Dung có những chiều đối ngược khác nhau, nhưng trong dân gian có nhiều lời ca ngợi về công tích của bà, như câu:

Trợ Lý, hưng Trần, Phù Ngự chúa
Cổ lai hữu kiến thử tài phân.

Nghĩa là:

Bà chúa Phù Ngự giúp nhà Lý, mở nghiệp nhà Trần,
Xưa nay hiếm có bậc nữ lưu như vậy ở trên đời.

Sự ca ngợi đó là có lý do, trong dòng họ Trần bà xứng với 4 chữ: “Đức – Trí – Uyên – Tuyền” (Nghĩa là: Đức cao, trí tuệ sáng nhưng dòng suối chảy). Nhiều địa phương ở Thái Bình, Nam Định cho đến nay vẫn lưu truyền công tích của bà chúa Ngừ trong việc xây dựng, mở mang đời sống thôn dân; giúp dân nghèo an cư lạc nghiệp, khai vỡ đất hoang để trồng cấy…


Nộp thóc vào kho lương triều đình. (Hình minh họa- Nguồn: violet.vn).
 
Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông xâm lược lần thứ 1 vào năm Mậu Ngọ (1258), bà Trần Thị Dung có nhiều công lao trong hoạt động tổ chức hậu cần, đặc biệt là tổ chức các kho vũ khí, quân lương để đánh giặc nên cũng được coi như một “bà chúa Kho”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có viết: “Khi người Nguyên sang xâm lấn, kinh thành thất thủ, Linh Từ ở Hoàng Giang giữ gìn hoàng thái tử, cung phi, công chúa, vợ con của các tướng thoát khỏi giặc cướp, lại khám xét thuyền của các nhà có chứa giấu đồ quân khí, đều lấy hết đưa đến quân. Nói về phần giúp đỡ nội trị cho nhà Trần thì Linh Từ có nhiều công to”.

Tại ngôi đền thờ chính của bà ở thôn Phù Ngự, xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình hiện nay có câu đối ý nghĩa súc tích với nội dung tôn vinh bà Trần Thị Dung:

Cự hải táng kim đài, duy thánh năng hóa,
My xuyên hàm ngọc tỉnh, hữu tiên tắc danh.

Nghĩa là:

Biển rộng dát đền vàng, chỉ bà là vị thánh,
Sông bao quanh giếng ngọc, có tên bà là tiên.

Hay như tại đền Lựu Phố ở xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nơi thờ vợ chồng Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung cũng có nhiều câu đối ca ngợi khác, như:

Bảo thánh phù tông vương cơ triều Đại Việt,
Hưng long đại nghĩa quốc mẫu hiển thần quang.

Nghĩa là:

Phò giúp cơ đồ dòng tộc, dựng nghiệp bá vương triều Đại Việt,
Dốc sức làm việc đại nghĩa, thực xứng bậc quốc mẫu vẻ vang.

Tại đây còn có những bài thơ ca tụng, trong đó có bài như sau:

Bảo thánh phù tông,
Huân công trường tồn.
Từ linh đức thụ,
Quốc mẫu nam thiên.
Nghĩa là:
Giúp nước phò vua,
Công lao truyền mãi.
Nhân từ đức độ,
Quốc mẫu trời nam.

Có nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã viết trong sách Đền bà Chúa Kho như sau: “Bà Trần Thị Dung là một nhân vật đẹp với đầy đủ ý nghĩa. Công lao lớn của bà là góp phần củng cố đoàn kết trong nội bộ vương triều và là người có tài tổ chức hậu cần phục vụ chiến đấu. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước ta lãnh đạo thành công việc sơ tán và bảo vệ được kho tàng, lương thực cùng sinh mệnh của nhiều người khác. Chính do công lao này mà người dân các thế hệ đã xem bà cũng là một bà chúa Kho”.

Lê Thái Dũng
Kienthuc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập123
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm122
  • Hôm nay28,470
  • Tháng hiện tại432,370
  • Tổng lượt truy cập60,316,177
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây