Sách "Thành ngữ bằng tranh" có quá nhiều sai sót (Kỳ 2)

Thứ sáu - 07/05/2021 23:09
a-Phỏng đoán và suy diễn (tiếp Kỳ I)

(Phần trong ngoặc kép sau số mục, in nghiêng là nguyên văn trong sách “Thành ngữ bằng tranh”; phần xuống dòng tiếp theo là nội dung trao đổi của chúng tôi. Với những mục xét thấy không cần thiết trích dẫn, chúng tôi xin lược bỏ phần giải nghĩa từ vựng):

5 -“Nuôi báo cô: Báo cô: Ngày xưa, một người đàn bà không có chồng, không có con (gọi là bà cô) thường để của cải cho một người cháu nào đó. Khi người cô già, người cháu phải nuôi, tức phụng dưỡng bà, gọi là nuôi báo cô. Báo cô chính là một nghĩa cử truyền thống tốt đẹp. Nhưng ở đời cũng có những bà cô khó tính, gây phiền nhiễu cho con cháu, nên dần dần người ta không thiện chí với công việc này nữa. Ý nói: Nuôi một người mà chẳng mang lợi lộc gì cho mình cả”.

Câu thành ngữ chính xác là “Nuôi bảo cô”. “Bảo cô” thành “báo cô” hay “báu cô” (phương ngữ Thanh Hoá) đã phổ biến, và được từ điển ghi nhận, nên cũng có thể xem là không sai. Tuy nhiên, giải thích từ nguyên theo kiểu phỏng đoán, suy diễn như soạn giả "Thành ngữ bằng tranh" lại là chuyện khác.

Vậy “bảo cô”, hay “báo cô” nghĩa là gì?

-“Hán ngữ đại từ điển” giải thích: “bảo cô: Quy định của hình luật thời cổ đại, phàm đánh người đến mức thương tích, trưởng quan sẽ xem xét tình tiết để xác định kỳ hạn mà bị cáo phải trị liệu cho kẻ bị hại. Nếu đang trong kỳ hạn, mà nạn nhân chết vì vết thương ấy, thì bị cáo sẽ bị khép vào tội chết; còn nếu nạn nhân không chết, thì bị cáo bị định vào tội đánh người gây thương tích, gọi là nuôi bảo cô.” [保辜:古代刑律規定,凡打人致傷,官府視情節立下期限,責令被告為傷者治療.如傷者在期限內因傷致死,以死罪論;不死,以傷人論.叫做保辜].

Ở Việt Nam, “Nuôi bảo cô” cũng được đề cập đến trong các bộ luật thời cổ đại, như:

-Điều 272 Luật Gia Long quy định: “Phàm nuôi bảo cô, trước hết phải giảo nghiệm xem thương tích nặng hay nhẹ, đánh bằng tay chân hay vật gì khác, hoặc là đánh bằng đồ nhọn, để định rõ về thời hạn nuôi bảo cô và trách cứ phạm nhân phải chữa thuốc”.

-Điều 408 Luật Hồng Đức ghi rõ: “Nếu còn trong thời hạn nuôi bảo cô mà nạn nhân chết thì phải tội kém tội đánh chết người một bậc. Nếu đã hết hạn nuôi bảo cô hay còn trong hạn nuôi bảo cô, nhưng vì nguyên cớ gì khác mà chết thì phải tội như là đánh người bị thương.” (Định chế pháp luật và tố tụng triều Nguyễn – TS. Huỳnh Công Bá - NXB Thuận Hoá, 2017).

Một số cuốn từ điển tiếng Việt xuất bản trước 1975 hãy còn ghi nhận “Nuôi bảo cô”:

-“Đại Nam quấc âm tự vị”: “bảo cô: chịu lãnh vì tội mình. Nuôi bảo cô: chỉ nghĩa là chịu cơm thuốc mà nuôi người mình đã làm cho phải thương tích nặng”.

-“Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí Tiến đức): “bảo-cô • Nuôi nấng người mà mình đã đánh bị thương <> Nuôi như nuôi bảo-cô”.

Như vậy, “bảo” 保 trong “bảo cô” 保辜 có nghĩa là “nuôi nấng, chăm sóc”  [養育;撫養], còn “cô” 辜 nghĩa là “tội”, “tội lỗi” [罪,罪過]; “bảo cô” là tội phải bồi thường bằng hình thức cấp dưỡng cho nạn nhân.

6 -“Trông mặt đặt tên: ngày xưa, trẻ con sinh ra không được đặt tên ngay. Phải đến khi lớn làm lễ thôi nôi (lễ đầy năm) mới nhờ thày cúng đặt tên. Lúc đó thày trông mặt bé, đặt cho cái tên hợp với đặt điểm, tính cách của bé. Gọi là trông mặt đặt tên”.

          Xưa kia đa số đặt tên nôm na, xấu xí cho dễ nuôi. Nhà có chữ thì đặt tên con cái thể hiện chí hướng hoặc ước muốn của ông bà, cha mẹ. Chuyện nhờ thầy cúng “trông mặt bé đặt cho cái tên hợp với đặt điểm, tính cách của bé” nếu có, cũng không phải là bản chất vấn đề.

Thực ra, tục ngữ “Trông mặt đặt tên” có nghĩa là trông tướng mạo, bề ngoài (ăn mặc, đi đứng, nói năng) có thể đánh giá được tính cách, bản chất bên trong con người (gọi tên, đặt tên sự vật). Thế nên còn có dị bản “Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo cỗ lòng mới ngon”.

7 -“Đón trước rào sau: Nhà kiểu ngày xưa thường có hai cổng. Cổng trước nhà thường mở rộng để đón khách, nhưng cổng sau chỉ để người nhà đi lại, ra vào vườn thì lại phải rào kín để tránh trộm đạo. Đón trước rào sau chứng tỏ là gia đình hiếu khách, nhưng vẫn cẩn thận chu đáo. Ý nói: Dẫn dắt lý lẽ, bằng chứng một cách khéo léo, tế nhị trước khi đưa ra điều mình cần trình bày để tránh bị người khác thắc mắc, bắt bẻ”.

Soạn giả đã hiểu lầm “đón” với nghĩa chặn lại, thành “đón” với nghĩa đón rước, chào đón.

          “Đón trước rào sau” là một kiểu “nâng cấp” từ ghép đẳng lập “rào đón” lên thành một đơn vị thành ngữ, có tác dụng nhấn mạnh và tạo hiệu quả trong diễn đạt. Trong đó, “rào” có nghĩa là ngăn, chặn; mà “đón” cũng có nghĩa là ngăn, chặn lại. Thế nên còn có các dị bản “Rào sau chặn trước”, hay “Rào trước đón sau”:

-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí tiến đức) giảng: “đón: 2 Ngăn, chặn <> Đón đường để đánh. Nói đón.”.

-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “nói đón • đt. Nói cách rào đón để đừng bị bắt-bẻ”.

8 -“Quạ mổ diều tha: Cách ăn mồi của hai loài chim ăn thịt: quạ và diều hâu. Quạ thì mổ con mồi ăn tại chỗ còn diều hâu thì quắp vào chân và tha đi. Ý nói: Những kẻ nanh nọc, độc ác, đáng nguyền rủa”.

           “Quạ mổ diều tha” không phải là cái đồ (giống như) con quạ, con diều, mà là đồ bị quạ mổ, bị diều tha. Tương tự như khi chửi “Quỷ tha, ma bắt”, “Trời đánh, thánh vật”, không phải là cái đồ quỷ, đồ ma, đồ trời, đồ thánh, mà là đồ bị quỷ tha, bị ma bắt, bị trời đánh, bị thánh vật.

Như vậy, “quạ mổ diều tha” là lời chửi rủa kẻ đốn mạt, đáng khinh bỉ, đáng bị con diều nó tha, con quạ nó mổ (thường dùng để chửi hạng đàn bà hư thân mất nết).

b – Hiểu sai nghĩa của từ và yếu tố Hán Việt:

9 -“Ăn bậy nói càn: Ngày xưa, ở các bến đò, cổng chợ, có những người làm thuê, gánh mướn, thường tụ tập đón khách để gánh thuê. Họ mang theo một chiếc đòn càn. Gọi là những người gánh càn. Họ hay cãi cọ, tranh giành việc của nhau, lại có người lừa lọc cả chủ hàng…nên mọi người có ấn tượng không tốt về người gánh càn. Từ đó, từ càn được dùng ám chỉ những hành động thô tục, càn quấy”.

Giải thích như vậy là oan cho “những người gánh càn”.

“Càn” 乾 là một từ Việt gốc Hán. “Hán ngữ đại từ điển” giảng nghĩa thứ 6 của “càn” 乾 là: “một lai do” [沒來由] nghĩa là không có lí do, duyên cớ gì [無緣無故 - vô duyên vô cố].

“Nói càn” tức nói bậy, nói mà không kể gì duyên cớ, đúng sai:

-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê-Vietlex) ghi nhận: “càn:  “[hành động] bừa, không kể gì phải hay trái, nên hay không nên”; “càn bậy • t. [hành động] bậy bạ, bất chấp phải trái, khuôn phép”.

Mục "Ăn bậy nói càn"
Ảnh: HTC


Vì “càn” có nghĩa là không có lí do, duyên cớ gì; không kể gì phải trái, nên động tác dùng cây sào, cây gậy mà gạt bỏ những vật gì đó (bất kể to nhỏ, cao thấp, xấu tốt), cũng gọi là “càn”. Và cái khúc tre thô sơ mà đa năng, dùng để khiêng, gánh, gồng, lúc cần thì thành dụng cụ để càn, gạt, được gọi là “đòn càn”. Tương tự, “bừa” có nghĩa là càn bậy, ẩu tả, không kể gì đúng sai, cũng là tên một loại nông cụ mà khi sử dụng nó cũng càn lướt, vùi dập tất cả những gì đi qua, bất chấp đó là cỏ rạ, rác rưởi, hay rong rêu bùn đất vậy. Không thể căn cứ vào tính cách hay phẩm chất đạo đức của người nông dân đi bừa để gán cho nghĩa của "bừa".

Trong “Đại Nam quấc âm từ điển”, mục “càn” 乾, Huình Tịnh Paulus Của giảng là: “lướt ngang, sấn ngang; càn ngang • id: không thứ tự không kể phép tắc, không kể lớn nhỏ; hổn hào, nói càn ngang; xiêu càn • nói chung lộn, không thứ lớp. Nói xiêu càn là nói không phân biệt”.(*)

Như vậy, trước khi xuất hiện cái “đòn càn” và “những người gánh càn” mà sách "Thành ngữ bằng tranh" dẫn giải, thì bản thân từ “càn” 乾 trong tiếng Việt đã có nghĩa là “bậy bạ”, “càn bậy” rồi. Ấy là chưa kể, nếu xét đến đạo đức nghề nghiệp, thì những người gánh thuê chất phác chưa bao giờ trở thành điển hình của thành phần "lừa lọc" chủ hàng hay "tranh giành" công việc của nhau.

(còn tiếp)

Hoàng Tuấn Công/4/2021(http://tuancongthuphong.blogspot.com/)
                                                       
 Tags: suy diễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
Gạc Ma
CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN
 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
45 năm chiến tranh biên giới
45 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH
BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
17/2/1979


 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập191
  • Hôm nay41,881
  • Tháng hiện tại683,073
  • Tổng lượt truy cập53,984,122
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây