Con trâu và ruộng trâu quần

Thứ năm - 18/02/2021 21:09
Con trâu có tên chữ là “ngưu” 牛, hay “thuỷ ngưu” 水牛. Chữ “thuỷ” trong “thuỷ ngưu” ý chỉ tập tính thích đầm mình trong nước của loài vật này. Hán ngữ đại từ điển mô tả về loài “thuỷ ngưu” như sau:
 
“Thuỷ ngưu là một giống trâu có sừng lớn đâm ngang, cong về phía sau như hình vầng trăng non, lông thưa thớt màu đen xám, tuyến mồ hôi kém phát triển, thường thích đầm mình trong nước. Thuỷ ngưu là sức kéo chủ yếu của người phương Nam nước ta [tức Trung Quốc – HTC] canh tác ruộng nước”. [水牛: 牛的一種.我國南方耕種水田的主要力畜.角粗扁向後彎,作新月形,毛灰黑而稀疏,汗腺不發達,常喜浸水中].

Nhưng trâu thích nước bao nhiêu, nó lại sợ nắng nóng bấy nhiêu. Thành ngữ Hán “Ngô ngưu suyễn nguyệt” - 吳牛喘月, nghĩa đen chỉ con trâu cày ở nước Ngô sợ nắng đến mức đêm về nhìn thấy trăng lên còn ngỡ là mặt trời, nên thở lên hồng hộc (Vùng Giang Nam – Trung Quốc tương ứng nước Ngô xưa, khí hậu rất nóng nực).

Vì sao “khoẻ như trâu” mà lại sợ nắng đến vậy?

Bởi “tuyến mồ hôi kém phát triển” (chỉ bằng 1/10 so với bò), nên trâu không chịu được nắng nóng và chúng luôn cần bùn nước để làm mát cơ thể, cũng như diệt ký sinh trùng đeo bám. Ngoài những lúc gặm cỏ hay cày bừa, trâu có tập tính thích dành hàng giờ đầm mình trong bùn, ngâm mình dưới sông hồ, thỉnh thoảng nó lại phun phì phì và đập cái đầu lấp ló chìm chìm nghỉm xuống mặt nước, khiến lũ ruồi muỗi bay tung lên theo đám bọt...

Có thể nói, nước còn là môi trường sống của trâu, và cái tên “thuỷ ngưu” thật hợp với loài vật này.

Xưa kia, “ruộng sâu trâu nái” là biểu tượng cho những mối lợi to lớn, sự giàu có sung túc ở thôn quê, là ước mơ ngàn đời của người nông dân. “Trâu nái” vừa dùng làm sức kéo, lại có thể sinh sản thì đã rõ, nhưng còn “ruộng sâu” thì sao?

Ruộng sâu là ruộng canh tác lúa nước, thường là đất thục, màu mỡ. Chân ruộng sâu không quá phụ thuộc vào nước trời như ruộng cạn, có thể cày cấy được hai vụ, trong lúc ruộng cạn có khi phải bỏ trổi vụ Chiêm vì hạn hán thiếu nước. Tuy nhiên, ruộng sâu lại có một trở ngại là chân ruộng ngập úng, lầy thụt, chỉ có trâu mới có thể cày bừa. Bởi vậy, có thể nói ở đâu có đồng chiêm trũng, ở đó có sự xuất hiện của trâu. Học giả Charles Robequain trong sách “Le Thanh Hoa” (“Tỉnh Thanh Hoá”, G.VAN xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp 1929; Nguyễn Xuân Dương - Lâm Phúc Giáp dịch - NXB Thanh Hoá - 2012) chép:

“Vả chăng sự phân bố đàn bò và đàn trâu còn tuỳ thuộc vào chất đất. Những tổng có nhiều trâu nhất là những tổng có ruộng sâu, đất sét, nặng và gần như luôn bị ngập nước, đòi hỏi phải nhiều lần cày bừa nặng nhọc. Do đó, ranh giới của các ruộng “vùng trâu” tương ứng khá tốt với ranh giới các vùng đất thấp, các ruộng hai vụ hay chỉ một vụ tháng 5 […]. Trong những vùng khô cằn hơn ở Thạch Thành và Cẩm Thuỷ, bò lại trội hơn trâu; […] Ở đây những con vật gầy nhẳng hơn đủ sức kéo cày để lật úp đất và úp rạ”.

Như vậy, trâu không chỉ đáp ứng được yêu cầu sức khoẻ để chinh phục các chân ruộng lầy, mà còn rất phù hợp với môi trường nước. Trong khi bò sức yếu hơn trâu, lại ngại nước, đặc biệt là môi trường bùn lầy. Về vấn đề này, Học giả Charles Robequain đã nhận xét tinh tế như sau: “Trâu rất thích hợp với các vùng miền ở Việt Nam. Đấy là những con vật khoẻ và vạm vỡ, hình như từ bùn lầy mà ra […] Chỉ có nó mới hợp với các công việc nặng nhọc của đất rắn, bùn lầy, bầy nhầy ở các ruộng trũng…”; trong khi: “bò hình như lạ nước, lạ cái trong các cánh đồng bùn lầy nhưng đã thích nghi một các đặc biệt khó khăn mà các cánh đồng ấy dành cho nó”.

Dù làm việc dưới chân ruộng sâu, nhưng trâu vẫn lội băng băng. Bốn vó bát úp khoan thai của nó kéo lê cái bụng trườn trên mặt bùn như một chiếc xe lội nước. Thậm chí nó có thể vừa làm việc vừa tranh thủ ngoái lại ngoạm những bè cỏ tươi non hoặc khóm lúa chét hãy còn lên xanh của vụ trước. Trong khi cũng chân ruộng này, bò phải lấy đà rút chân, hất mình lên từng nấc một để bước đi trong tình trạng của một kẻ bị sa lầy khốn khổ. Thế nên câu tục ngữ “Không có trâu bắt bò đi đẫm”, “Bắt bò cày triều” (triều = ruộng lầy ven sông) là ví dụ điển hình của sự thay thế một cách gượng ép, sử dụng người hay vật vào công việc không phù hợp với khả năng, sở trường.

Nghĩa đen của câu tục ngữ “Không có trâu bắt bò đi đẫm” không chỉ liên quan đến đồng chiêm trũng, mà đặc biệt và xa xưa hơn là ruộng trâu quần - một tập quán canh tác lúa nước cổ truyền của các dân tộc như Thái, Tày, Mường, Bahnar, H’Rê...và dĩ nhiên có cả người Việt cổ và nhiều dân tộc khác vùng Đông Nam Á. Theo đó, “bắt bò đi đẫm” chỉ việc bắt con bò đi cày bừa, “quần” ở chân ruộng lầy thụt, không hợp với sức vóc và tập tính ưa khô ráo của nó. Con bò “cày ruộng”, “quần ruộng”, mà giống như ngụp lặn, đẫm mình, ngoi ngóp trong bùn lầy vậy.

Ruộng trâu quần là gì?

Xưa kia, các cư dân trồng trọt thường áp dụng biện pháp canh tác “hoả canh” 火耕 (đốt nương làm rẫy) và “thuỷ nậu” 水耨 (dẫm cỏ rạ xuống bùn, dầm đất ngấu để cấy lúa). Dùng trâu quần ruộng, bỏ qua công đoạn cày xới để dầm đất luôn, là một kiểu “thuỷ nậu” 水耨. Theo đây, trước khi biết đến cày bừa, cư dân canh tác ruộng nước đã biết dùng trâu để làm đất bằng sức dẫm của nó, thay cho đôi chân nhọc nhằn của người. Trong tiếng Thái “ruộng quần” gọi là “nà ốn”, dùng trâu quần ruộng gọi là “quái ốn nà”; với tiếng Mường “trưa tru quấn” là ruộng trâu quần; trong khi tiếng Bahnar trâu quần là “kơbao juă”, ruộng trâu quần là “hmua kơbao juă”. Chữ “quần” ở đây chỉ động tác đi tới đi lui, dẫm đi dẫm lại của đàn trâu cho đến khi đất, cỏ nát nhừ.

Học giả Charles Robequain trong sách “Le Thanh Hoa” nhận xét: “con trâu không thể thiếu được ở các chân ruộng trũng, nó dẫm và xới đất rất nhuyễn”. Ông nhắc đến chân ruộng trâu quần “không cần cày xới” và mô tả cảnh đàn trâu “dẫm đất”, quần ruộng ở miền Tây Thanh Hoá như sau:

“Các chân ruộng sâu lầy bùn không cần phải cày xới, chỉ cần trâu là được, […]. với 10 hay hơn 20 con trâu, đôi khi cả xóm, lội vòng tròn hàng giờ, ngập đến ức, dẫm đất trong các thửa ruộng đầy bùn, hoặc kéo bừa do người điều khiển…đôi khi chỉ còn thấy có đầu và lưng trâu và cả đàn ông đàn bà cũng ngập ngang thắt lưng để dẫm và vùi gốc rạ,…”

Kinh nghiệm làm đất của nông dân: “Ải thâm không bằng dầm ngấu”. Với sức nặng và khả năng xoay trở không mệt mỏi trong ruộng lầy, trâu quần “dẫm và vùi gốc rạ” cũng như tàn dư thực vật của vụ trước, tạo nguồn phân bón hữu cơ giúp cho ruộng ngấu trước khi cấy lúa rất tốt.

Làm đất bằng trâu quần đơn giản, hiệu quả, phù hợp với các loại ruộng nhỏ hẹp, ruộng xéo, ruộng mới khai phá, lầy thụt, khó cày bừa ở miền núi. Bởi vậy, ngay cả khi kỹ thuật làm đất bằng cày bừa, máy móc phát triển, thì “trâu quần” và “ruộng trâu quần” vẫn tồn tại. Thậm chí, ngày nay máy móc gần như đã thay thế hoàn toàn sức kéo của trâu bò, thì một số nơi, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn duy trì tập quán canh tác bằng ruộng trâu quần bởi sự tiện lợi của nó.

Trở lại với câu tục ngữ “Không có trâu bắt bò đi đẫm”.

“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung) thu thập thêm dị các dị bản “Không có trâu bắt bò đi cày”, “Trâu không có bắt chó đi cày”. Sách “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt-Hán” (Nguyễn Văn Khang) còn thu thập một dị bản lạ: “Không có trâu bắt ngựa đi cày”. Tuy nhiên, những phân tích trên đây cho thấy, dị bản “Không có trâu bắt bò đi cày” không đắt, thậm chí là sai. Bởi với những chân ruộng cao, đất thịt nhẹ hoặc cát pha, thì bò hoàn toàn có thể thay thế, thậm chí thay thế tốt hơn trâu, đúng như Học giả Charles Robequain đã nhận xét: “Trong những vùng khô cằn hơn ở Thạch Thành và Cẩm Thuỷ, bò lại trội hơn trâu; […] Ở đây những con vật gầy nhẳng hơn đủ sức kéo cày để lật úp đất và úp rạ”; hay: “chỉ cần một phụ nữ hay một đứa trẻ con điều khiển, bò cũng hoàn toàn cày được các đất khô và xốp có rất nhiều trong vài tổng ở châu thổ”.

Dị bản “Trâu không có bắt chó đi cày” không có nghĩa đen trong thực tế, mà đây chỉ là cách nói ngoa dụ của dân gian.

Cuối cùng, với bản “Không có trâu bắt ngựa đi cày” - một “dị bản” chưa từng có trong kho tàng thành ngữ tục ngữ Việt Nam, chẳng qua chỉ là một sáng tác mới của Nguyễn Văn Khang mà thôi.

Có nhìn thấy cảnh tượng phải dùng bò để thay cho trâu “dẫm đất trong các thửa ruộng đầy bùn, hoặc kéo bừa do người điều khiển” mà Charles Robequain mô tả là  “ngập đến ức, đôi khi chỉ còn thấy có đầu và lưng trâu”, mới thấy hết cái hay của từ “đẫm” trong câu “Không có trâu bắt bò đi đẫm” - câu tục ngữ phản ánh tập quán canh tác cổ xưa của các cư dân trồng lúa nước, dựa trên sự phù hợp của sức vóc và tập tính của hai giống vật nuôi trâu và bò.

Như vậy, nông dân Việt Nam sử dụng cả trâu và bò làm sức kéo trong canh tác lúa nước, nhưng con trâu mới là “đầu cơ nghiệp”! Trước sau dân gian đều khẳng định: “Yếu trâu còn hơn khoẻ bò”, “Trâu he cũng tầy bò khoẻ”, “Trâu gầy cũng tầy bò khoẻ”, “Trâu ho cũng bằng bò rống”,…Bò dù khoẻ đến đâu cũng không thể sánh với trâu, không thay thế cho trâu trong nhiều công việc cần phải có sức khoẻ…như trâu, đặc biệt khi cần phải chinh phục những cánh đồng chiêm trũng và ruộng trâu quần lầy thụt.

Tết Tân Sửu 2021
Hoàng Tuấn Công
Nguồn http://tuancongthuphong.blogspot.com/2021/02/con-trau-va-ruong-trau-quan.html
                                                               

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
20/11
NGÀY NHÀ GIÁO VN 20/11
VÌ MỘT NỀN GIÁO DỤC
NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập237
  • Hôm nay39,293
  • Tháng hiện tại81,889
  • Tổng lượt truy cập62,152,542
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây