Chuyện nô lệ xưa trên đất Tây Nguyên

Thứ hai - 04/05/2020 13:21
Giáo sư - bác sĩ nổi tiếng với bí danh Nguyễn Ái Phương (từng giữ chức Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tể Tây Nguyên) hay Thiếu tướng Y Blôk Êban cũng xuất thân từ thân phận nô lệ.
Tây Nguyên tồn tại lâu dài chế độ “công xã nguyên thủy” với thị tộc, bộ lạc, chưa có giai cấp, nhà nước. Mặc dầu chưa phải là chế độ “chiếm hữu nô lệ” nhưng lại hình thành một bộ phận nô lệ ở riêng biệt từng gia đình, tù trưởng và “định chế nô lệ” được khẳng định trong luật tục (tập quán pháp) của cộng đồng.
 
Vậy nguồn gốc người nô lệ ở Tây Nguyên được hình thành từ đâu?
 
Thuở xưa, giữa các làng khác nhau, các tộc người khác nhau có những mối thù kéo dài qua nhiều thế hệ, tồn tại nạn “giặc làng”, “giặc mùa” dai dẳng. Lúc bấy giờ, giữa các tù trưởng thường có tranh chấp đất đai, cướp bóc tài sản, nô lệ của nhau khiến xung đột xảy ra liên miên.
 
Hằng năm thường diễn ra những cuộc cướp làng. Làng thắng có thể chém đầu người làng thua mang về tế thần, có thể bắt người làng thua mang về làm nô lệ. Nhưng làng thắng, đến lượt nó, lại có thể bị tấn công bất ngờ và có thể bị bắt làm nô lệ cho làng khác. Từ đó nảy sinh một tầng lớp nô lệ gia đình có nguồn gốc từ tù binh.
 
Những cuộc “chiến tranh làng mạc” vẫn còn được nhắc đến trong sử thi (khan), truyện cổ, lời nói vần... của các dân tộc.
 
Để chuẩn bị sẵn sàng xuất phát ra đi tấn công, hoặc chống lại cuộc tấn công, đêm đêm trai làng thường ngủ tại ngôi nhà làng (rông). Nhà rông của người Tây Nguyên còn có chức năng phòng thủ của cộng đồng làng, đối phá với những cuộc tấn công của làng khác.
 
Áo vỏ cây, trang phục của người nô lệ xưa
 
Cũng không thiếu những tù trưởng (Mtao) có được tôi tớ không phải là do đi gây chiến tranh để chiếm đoạt mà là trong cộng đồng có những ai đó nợ của cải, chẳng may làm cháy nhà, đánh nhau gây án mạng, họ và gia đình không có khả năng đền bù nên thường người giàu có bỏ của cải ra đền bù thay rồi mang người được cứu về nhà làm hlun (nô lệ) cho nhà mình. Tuy là tôi tớ nhưng những người này được đối xử như con cháu trong nhà. Đó là những người đàn bà quấn váy ngắn, ở trần; những người đàn ông vận khố ngắn, ở trần, về mùa lạnh thì choàng thêm tấm mền cũ.
 
Ở vùng dân tộc Kơ Ho, con ở (cau vơ roa) và tôi tớ, nô lệ (dik) được gia chủ cũng như xã hội bên ngoài đối xử bình đẳng trên tinh thần tương thân tương ái. Họ được coi là một thành viên thực thụ trong gia đình người chủ và có thể lấy con trai hay con gái của gia đình người chủ làm vợ, làm chồng mà vẫn không bị dư luận bên ngoài dèm pha hay lên án.
 
Luật tục M’nông qui định rằng nợ nần dù lâu ngày cũng phải trả, mâu thuẫn, xích mích phải được giải quyết để xóa bỏ thù hằn giữa hai bên. Nếu không trả nợ được thì buộc người trong gia đình hoặc bản thân người phạm tội phải đi ở đợ, làm tôi tớ cho người mình mắc tội: Nợ bằng dik trả đủ bằng dik/ Nợ bằng chiêng trả đủ bằng chiêng/ Nợ bằng ché trả đủ bằng ché/ Trả không đủ phải chịu ở đợ.
 
Luật tục Êđê, M’nông đều đã quy định rõ việc đền mạng cho một người nhà giàu cao gấp bội phần so với mạng một người nhà nghèo.
 
Cồng chiêng, tài sản quý có thể đổi được nô lệ
 
Ở Tây Nguyên ngày xưa, chiêng, ché, voi, trâu có thể đổi được nô lệ. Có loại chiêng chỉ ngang giá vài con trâu nhưng cũng có loại chiêng giá trị tới 40 con trâu hay một tá tù binh, nô lệ.
 
Cá biệt có một gia đình ở xã Cư Drăm (Krông Bông, Dak Lak) có 1 chiếc chiêng char ph’hách cực kỳ quý hiếm của dòng họ để lại giá trị tương đương 12 người nô lệ. Loại chiêng này được thiêng hóa và đồng bào không bao giờ bán.
 
Chiêng Tha của người Brâu, chiêng Xteng của người Xơ Đăng, chiêng Knah của người Êđê có thể mang giá trị quy đổi lên tới 1- 2 con voi hoặc 30- 40 con trâu hoặc vài nô lệ.
 
Đối với đồng bào, voi là “tài sản biết đi”, là tài sản đẻ ra mọi thứ tài sản khác, thậm chí cả nô lệ và quý ngang với sinh mạng con người.  Do đó, theo luật tục M’nông, hình phạt bồi thường hiện vật nặng nề nhất là phạt voi.
 
Kẻ phạm trọng tội như cố ý giết người, đốt cháy làng buôn, đầu độc thì phải bồi thường thiệt hại tài sản, tính mạng bằng 1 con voi. Người nào làm mất voi, chết voi của người khác, nếu không có tài sản đền bù thì buộc phải làm nô lệ, tôi tớ cho chủ voi. Khi nào người nô lệ này làm ra của cải tương đương với giá trị con voi đã mất của chủ thì mới được trả tự do.

Nô lệ cũng là một thứ tài sản của các thủ lĩnh buôn làng, thể hiện quyền uy của họ. Việc chiếm hữu, trao đổi nô lệ luôn diễn ra giữa các tù trưởng.
 
Vua voi Khunjunop (Y Thu) cũng là người từng dùng voi để chuộc lại nô lệ từ tay các tù trưởng trong vùng. Tương truyền, ông từng dâng một con voi trắng quý giá để chuộc lại một nô lệ nữ tên là Giá Vầm.
 
Bà Giá Vầm tuy cai quản nhiều rừng núi đất đai, nhưng bà bị một bộ tộc người Gia Rai bắt làm tù binh. Để chuộc người tù trưởng có đất đai rộng lớn này, ông Y Thu đã dùng voi trắng làm lễ vật kèm theo lời thề kết giao hòa hảo giữa hai bộ tộc và xin nhận người Gia Rai “làm cha làm mẹ”.
 
Biết ơn ông, bà Gia Vầm cắt một phần đất trong lãnh địa của mình cho Y Thu. Có đất, ông Y Thu liền tụ tập những người Êđê, M'nông, Lào... sống trên các đảo Par, đảo Klau giữa sông Sêrêpôk về một nơi trù phú, sau này gọi là Buôn Đôn.
 
Vì thế, thời Y Thu lên làm tù trưởng, những xung đột về đất đai, tài sản, nô lệ... giữa các làng, các dân tộc được xoá bỏ. Các hoạt động săn bắn, hội voi đã góp phần tạo dựng và vun trồng sự đoàn kết giữa các dân tộc.
 
Y Thuột, gọi theo tên con là Ama Thuột, vị tù trưởng nổi tiếng người Êđê, tên ông sau này được lấy đặt cho thành phố thủ phủ cao nguyên Buôn Ma Thuột - là người giàu có nhất vùng thời đó. Trong nhà có nuôi nhiều nô lệ, họ được lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái dưới sự bảo bọc của tù trưởng này. Do không có con gái nên ông đã nhận một nữ nô lệ làm con nuôi.
 
Y Nuê Buôn Krông là con trai của cặp vợ chồng nô lệ, sau này được vị tù trưởng đáng kính  Y Thuột “trả tự do”, được cho đi học tại trường Pháp - Đê, được sớm giác ngộ cách mạng, tham gia kháng chiến, được cách mạng cử đi học, trở thành giáo sư- bác sĩ nổi tiếng với bí danh Nguyễn Ái Phương (từng giữ chức Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tể Tây Nguyên).
 
Hay Thiếu tướng Y Blôk Êban cũng xuất thân từ thân phận nô lệ, sau này theo cách mạng, là một trong những người đầu tiên tham gia khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8-1945 ở Buôn Ma Thuột, trở thành cán bộ lãnh đạo cách mạng tài giỏi của Tây Nguyên.
 
Ngày nay, các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên đang cùng đất nước phát triển tiến bộ, quan hệ giữa người với người bình đẳng, không còn dấu vết của tù trưởng và người nô lệ. Những hủ tục xưa cũ đang dần dần biến mất trong đời sống cộng đồng.

Theo Tấn Vịnh (DakLak Online)
Nguồn NLĐO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập114
  • Hôm nay30,701
  • Tháng hiện tại387,425
  • Tổng lượt truy cập59,285,078
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây