Bài cuối: Triệu Đà và nhà Triệu trong câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ nhật - 13/10/2019 21:49
Trang 266, tập 3 "Hồ Chí Minh toàn tập", Hồ Chủ tịch đã nhắc đến nước Nam Việt khi khẳng định: "Mai sau sự nghiệp hoàn thành/Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng".
Trong một vài số trước, chúng tôi đã có dịp nhắc về Triệu Đà trong bài trường thi lịch sử Đại Nam quốc sử diễn ca. Đó là phần nói về nhà Triệu trong đoạn 3. Xin ghi lại 4 câu đầu như sau:

Triệu Vương thay nối ngôi trời,
Định đô cứ hiểm đóng ngoài Phiên ngu (hay còn là Phiên Ngung).
Loạn Tần gặp lúc Ngư Hồ,
Trời nam riêng mở dư đồ một phương...

Về quy mô thì bản đầu của Đại Nam quốc sử diễn ca do Lê Ngô Cát viết có 3.774 câu, được án sát tỉnh Bình Định Phạm Đình Toái chỉnh lại như chúng ta hay đọc ngày nay là 2.054 câu. Để dễ so sánh thì chúng ta nên nhớ truyện Kiều của Nguyễn Du là 3.254 câu viết theo thể lục bát, bài Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều 356 câu theo thể song thất lục bát, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn 476 câu theo thể song thất lục bát...

Dùng thơ để kể lại lịch sử càng về sau đã thành một trào lưu. Có thể kể đến cuốn Việt sử thông lãm của Vũ Huy Chân xuất bản năm 1973 được viết theo dạng song thất lục bát. Trong đó, ông Chân cũng ca ngợi nhà Triệu như sau:

Đến đời Triệu, nước kêu Nam Việt
Vua Vũ vương oanh liệt một thời
Kiêu căng vốn sẵn tính trời
Dọc ngang nào biết trên đời có ai

Hay

Triệu vương giận xưng hoàng đế hiệu
Rồi đem quân vào nhiễu Trung Hoa
Trước vương phá quận Trường Sa
Sau bình giặc Hán sang ta báo thù...

Hay cuốn Quốc sử ngâm tổng lược gồm 100 câu của Huấn đạo Nguyễn Tống San viết năm 1938. Trong đó phần nhà Triệu có ghi:

Đến Võ vương dựng liền nhà Triệu
Chín sáu năm lo liệu mở mang
Phiên Ngung đóng quận vẻ vang
Đến năm Kiến Đức chuyển giang san Tàu.

Nhưng nếu nói về độ dài thì Đại Nam quốc sử diễn ca vẫn phải lép vế trước một bộ sử diễn ca hồi cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 là Thiên nam ngữ lục. Đây là tác phẩm Nôm có dung lượng lớn nhất, gồm 8.136 câu thơ lục bát, có xen 31 bài thơ chữ Hán và hai bài thơ chữ Nôm được viết theo thể thất ngôn bát cú. Bài này cũng ca ngợi nhà Triệu như sau:

Non sâu, hang trất ai ai
Ống cơm bầu nước theo đòi chúa Thang
Hiệu xưng là Triệu Vũ Hoàng
Chín lần xem trị, bốn phương đẹp lòng

Rồi kỷ lục đó vừa bị phá vào năm 2009 do có 2 tác giả Hồ Đắc Duy, Nguyễn Bá Triệu viết Đại Việt sử lược diễn ca với số câu thơ lên đến hơn 8.500 câu theo thể thức song thất lục bát. Bài này cũng có những câu ca ngợi nhà Triệu như sau:

Nam Việt vương Triệu Đà xưng đế
Mậu Ngọ niên làm lễ lên ngôi
Giang sơn hùng cứ một thời
Cất quân chiếm lấy đất ngoài Trường Sa...

Nhắc đến các bài thơ trường ca kể về lịch sử đất nước thì không thể không nhắc đến tác phẩm Lịch sử nước ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh biên soạn vào năm 1941 dùng làm tài liệu học tập cho cán bộ trong các lớp huấn luyện ở chiến khu và tuyên truyền trong nhân dân để giáo dục truyền thống yêu nước, và tác phẩm này được xuất bản vào tháng 2.1942.

Về độ dài thì tác phẩm nói trên chỉ hơn 200 câu kể sử nước ta từ thời dựng nước Hồng Bàng cho đến Việt Minh. Độ dài này vừa đủ để mọi người học thuộc theo đúng tinh thần “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Tuy nhiên, độ dài chính xác của bài thơ này thì lại là một vấn đề đáng bàn. Theo bản chép ở Hồ Chí Minh toàn tập, từ trang 259 đến 266, tập 3 trong bộ 15 tập xuất bản năm 2011 thì chỉ chép có 208 câu.

Tuy nhiên, trong tập 9 của bộ 15 tập Lịch sử Việt Nam do Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam vừa in năm 2014 lại có đoạn khẳng định bài Lịch sử nước ta của Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chủ tịch) có 210 câu. Như vậy thì bản chép trong Hồ Chí Minh toàn tập có thể thất lạc mất 2 câu chăng?

Đọc lại Lịch sử nước ta trong Hồ Chí Minh toàn tập chúng ta thấy "có vấn đề" ở câu 13.

11 An Dương Vương thế Hùng Vương,

12 Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân.

13 Nước Tàu cậy thế đông người,

14 Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam.

Có vấn đề là bởi gieo vần không chuẩn trong khi Hồ Chủ tịch khi làm thơ thường gieo vần rất chính xác. Vấn đề thứ hai là vắng Triệu Đà trong khi tất cả các bài sử diễn ca mà chúng tôi nêu trên thì những nhà tóm tắt sử trong thơ, dù ngắn 100 câu như Quốc sử ngâm tổng lược hay dài như Đại Việt sử lược diễn ca đều nói đến nhà Triệu.

Chúng tôi đã tìm trong cuốn Nhà Triệu, mấy vấn đề lịch sử do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2017 có nêu bản thảo viết tay của Hồ Chủ tịch, trong đó nhắc đến 2 câu thơ về Triệu Đà trong bài Lịch sử nước ta. Điều đặc biệt là khi ghép vào thì khớp vần một cách hoàn hảo như sau:

11 An Dương Vương thế Hùng Vương,

12 Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân.

13 Triệu Đà là vị hiền quân,

14 Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời.

15 Nước Tàu cậy thế đông người,

16 Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam.

Về sự tồn tại của câu "Triệu Đà là vị hiền quân" thì chúng tôi có thêm sự xác tín của nhà sử học Trần Quốc Vượng. Trong cuốn sách Trên mảnh đất nghìn năm văn vật thuộc dự án sách kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội do NXB Hà Nội in năm 2009, trang 233, xin trích câu chuyện như sau:

“Khi tôi (tức GS Trần Quốc Vượng) với tư cách là một trong những người phụ trách Câu lạc bộ làng nghề truyền thống Việt Nam tới làng Đồng Sâm, Thái Bình - làng có nghề chạm bạc vàng truyền thống, làng tương truyền là quê vợ Triệu Đà thì tôi thấy một ngôi đền rất to, ngoài tam quan ghi “Nam Việt Triệu Tổ”, ở đây dân Thái Bình chỉ biết Triệu Đà, chứ không/ít biết chuyện Vua Hùng của vùng Phú Thọ đất Tổ.

Và Lê Văn Hưu - ông tổ nền Sử ký nước Việt cũng chỉ viết Sử Đại Việt từ “Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng”. Và Nguyễn Trãi Bình Ngô Đại Cáo cũng viết:

“Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần triệu tạo ngã quốc” (Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước ta), để có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau (bắt buộc hay tự nguyện) mà một vài tác giả của sử học mác xít đã tự ý bỏ đi chữ Triệu, làm sai lạc quy tắc văn bản học (textologic)? Thế Bác Hồ trong tác phẩm để đời Việt Nam quốc sử diễn ca (tức Lịch sử nước ta) viết rằng:

"Triệu Đà là đấng hiền quân"

thì liệu giới sử học mác xít nước ta có bao giờ dám phê Bác là “mất lập trường sử học mác xít” hay không?” (hết trích).

Cũng xin giới thiệu rằng Trên mảnh đất nghìn năm văn vật là tác phẩm rất tâm huyết của Giáo sư Trần Quốc Vượng, từng được báo Nhân dân có bài đánh giá rất cao: “Người đọc tiếp tục khám phá nét truyền thống, hiện đại, tinh hoa từ nghìn xưa với công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa hôm nay của Hà Nội; Hà Nội - Việt Nam và 1.000 năm giao thoa văn hóa Đông - Tây, Nam - Bắc dưới góc nhìn lý luận và thực tiễn; những suy nghĩ tản mạn nhân đọc lại bài Chiếu dời đô của Vua Lý Công Uẩn; Cổ pháp - Thiên Đức - Kinh Bắc - quê hương nhà Lý. Mỗi trang của cuốn sách đều chất chứa, thấm đượm tình yêu Hà Nội tha thiết, cháy bỏng với những khám phá, phát hiện bất ngờ của người nghiên cứu”.

Phần trang 233 trong cuốn Trên mảnh đất nghìn năm văn vật chính là đoạn trong chương 12: “Vài suy nghĩ tản mạn nhân đọc lại bài Chiếu về việc dời đô của vị vua sáng nghiệp triều Lý” do báo Nhân dân giới thiệu.

Còn về câu “Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời” thì chúng tôi đã tìm thấy một chi tiết quan trọng từ chính trong trang 266 của tập 3 Hồ Chí Minh toàn tập. Đó là câu gần áp chót mà Hồ Chủ tịch khẳng định:

Mai sau sự nghiệp hoàn thành
Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng.

Điểm lại lịch sử các triều đại trên nước ta thì chỉ duy nhất nhà Triệu dùng quốc danh là Nam Việt còn các triều đại khác đều chỉ dùng Vạn Xuân,Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu, Đại Nam... trước khi dùng Việt Nam mà thôi. Nếu Hồ Chủ tịch đã khẳng định “Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng” thì chắc chúng ta đều hiểu thái độ của tác giả đối với triều đại trên nước ta dùng quốc danh Nam Việt.

Anh Tú
Nguồn MTG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập48
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm41
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại1,076,757
  • Tổng lượt truy cập55,200,449
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây