Những tiếng nói từ nghị trường
admin100
2023-06-01T16:29:00-04:00
2023-06-01T16:29:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/ca-phe-sang/nhung-tieng-noi-tu-nghi-truong-11911.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2023_06/image-20230601163124-1.jpeg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ năm - 01/06/2023 16:29
Tại kỳ học thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ và tại hội trường. Nhiều tiếng nói thẳng, không né tránh và rất tâm huyết về những vấn đề nóng bỏng hiện nay của đất nước đang được cử tri hết sức quan tâm, lo lắng nhưng cũng không ít tiếng nói khiến cử tri “tâm tư”.
Việt Nam là cường quốc điện gió, sao phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc?
Thảo luận tại tổ sáng 25/5, dẫn thông tin cho rằng giải pháp về lâu dài phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc, từ Lào, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nêu một loạt câu hỏi: "Giá thành của họ giảm, tại sao chúng ta không kiểm tra có giảm được giá điện không? Việt Nam là cường quốc điện gió, điện mặt trời, thiên nhiên ưu đãi như thế, nhưng vì sao ta vẫn phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc, vì sao lại xác định nhập điện lâu dài".
Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau), ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhắc lại điều khiến người dân rất bức xúc và đặt câu hỏi: "Tại sao phải đi nhập khẩu điện, trong khi tôi đọc báo thấy 4.600MW điện gió, điện mặt trời không được hòa mạng, không được bán lên lưới. Vì sao thế, cũng là tài sản quốc gia sao lại lãng phí như thế?". “Trách nhiệm ở đây là cơ quan nào?”, đại biểu Minh nêu câu hỏi mà bấy lâu nay dư luận cũng đã đặt ra nhưng chưa có câu trả lời.
Ông Minh cho hay trong tổng 100% sản lượng phát lên lưới, nguồn điện từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ chiếm tỉ lệ nhất định, còn lại là nguồn điện phát từ các công ty, doanh nghiệp khác ngoài EVN. Vấn đề đặt ra là tại sao những doanh nghiệp này kinh doanh lãi, mà EVN lại kinh doanh lỗ?
Đề xuất Nhà nước chi 130.000 tỉ đồng để EVN cắt lỗ
Trong khi EVN lỗ triền miên năm này qua năm khác như vậy còn các công ty con lãi lớn, các sếp EVN vẫn hưởng mức lương 5 -7 chục triệu đồng/ tháng thì đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM) lại đề xuất dùng 130.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa sử dụng năm 2022 giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cắt lỗ.
Trong một phát biểu khác, ông Nhân lại bày tỏ xót thương người lao động: "công nhân, người lao động, làm việc nhiều năm ở doanh nghiệp, đóng đủ bảo hiểm xã hội nhưng khi về hưu chỉ nhận mức lương 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng, sống sao được".
Khó khăn thì xây tượng đài để làm gì?
Thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ sự không đồng tình khi nhiều dự án cổng chào vẫn triển khai trong lúc đời sống người dân còn khó khăn. Ông Vân nêu câu hỏi "Ở vùng sâu vùng xa, khó khăn như vậy thì xây tượng đài để làm gì".
Điều mà đại biểu Vân băn khoăn cũng chính là vấn đề mà báo chí và dư luận từng phản ánh trong nhiều năm qua. Nhiều địa phương hằng năm phải nhận gạo cứu trợ dịp Tết Nguyên đán nhưng vẫn quyết bỏ ra hàng trăm, thậm chí là ngàn tỷ đồng từ ngân sách để “đua” xây tượng đài.
'Quy hoạch chưa xong mà ông năng động, ông quyết một cái thì ông lại vào lò'
Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng). Theo ông, cần phải giải quyết ngay sự trì trệ trong quy hoạch hiện nay vì đang gây ách tắc và lúng túng cho địa phương: "Đi tỉnh nào cũng kêu là bây giờ không biết bố trí thế nào. Kể cả có nhà đầu tư vào rồi, vốn gợi ý rồi, bày tỏ thiện chí rồi nhưng quy hoạch chưa có. Mà với tình hình hiện nay, quy hoạch chưa xong mà ông năng động, ông sáng tạo, ông đổi mới, ông quyết liệt, quyết tâm mà ông quyết một cái thì ông lại vào lò. Cho nên, không ông nào dám làm cả, chỉ ngồi kêu thôi. Đây là tình trạng mà tôi thấy rằng rất thất vọng với các địa phương".
Ông Hồi cho biết: "Hiện nay tôi hỏi thì tất cả đều nói rằng chờ xem sao. Đối với kinh tế, câu chờ xem sao của những người nắm nguồn lực của đất nước nó sẽ làm cho chúng ta mất chi phí cơ hội. Mà mất chi phí cơ hội trong kinh tế là cái mất vô giá". Đây là điều đang diễn ra mà "không có giải pháp thì rất nguy hiểm", đại biểu Nguyễn Chu Hồi cảnh báo.
Dư luận rất hoan nghênh ý kiến của đại biểu Nguyễn Chu Hồi và mong muốn các vị đại biểu khác mổ xẻ thêm, đằng sau tình trạng cán bộ “không dám làm, ngồi chờ xem sao”, thực chất là gì nếu không phải là sợ trách nhiệm?
'Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu'
Sáng 1/6, trong lời tranh luận của mình với các ý kiến của đại biểu Trần Hữu Hậu, Tạ Văn Hạ, Tô Văn Tám hôm qua, đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) đọc câu thơ lục bát: "bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu". Nhưng có vấn đề là nói cái sợ sai đó chưa tới mức.
"Tức là sợ sai rồi còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì vơ vào mình, cái gì khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác, bên ngoài".
Cán bộ không làm gì là vi phạm pháp luật
Tiếp tục tranh luận với đại biểu Vũ Trọng Kim, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng hành vi không làm gì cả là vi phạm pháp luật, bởi vì trong quan hệ pháp luật, hành vi bao gồm hành động và không hành động. Không hành động tức không thực hiện bổn phận, nghĩa vụ mà Nhà nước trao cho, là vô trách nhiệm. Vi phạm pháp luật thì phải xử lý.
Từ đó, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị phải xử lý nghiêm khắc các trường hợp này.
Cứ sau sự cố lại sửa quy định, tạo thêm vô số 'vòng kim cô' cho doanh nghiệp
Có tình trạng là khi xảy ra sự cố, khi dư luận xã hội lên tiếng mạnh mẽ, thường có luồng ý kiến, quan điểm rằng nguyên nhân đến từ cơ chế, pháp luật chưa chặt chẽ, từ đó tiếp tục đưa ra thêm những quy định pháp luật, chế tài mạnh hơn, cao hơn.
"Liệu có phải do luật không có, không đủ? Ví như cấm uống rượu rồi lái xe, luật có rồi nhưng hiện trạng này có giảm nhưng không hết.
Cái gốc ở đây là con người, rút ra bài học mới khắc phục được, nếu không sẽ có vô số vòng kim cô cho doanh nghiệp, xã hội nhưng không khắc phục được yếu kém", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thu nhập thế giới?
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) hỏi và cho biết, một sinh viên mới ra trường có mức lương khoảng hơn 3,4 triệu đồng/tháng; Lương công chức Việt Nam trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng, trong khi Thái Lan là 56,7 triệu đồng/tháng, Malaysia là 29 triệu đồng/tháng, Campuchia là 17 triệu đồng/tháng.
'Lãng phí niềm tin của nhân dân nếu sợi dây kinh nghiệm cứ dài vô tận'
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) nói: "Với chiều dài vô tận của sợi dây rút kinh nghiệm, sẽ lãng phí niềm tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, những người đang chắt chiu từng đồng thuế để trả lương cho bộ máy của chúng ta".
Đề xuất được mặc áo dài ngũ thân khi họp Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề xuất: “Việc mặc áo ngũ thân không làm thay đổi quy định nào về việc mặc các trang phục khác, không phải thay thế bộ comple mà chỉ giúp đại biểu, người tham dự có thêm lựa chọn được mặc trang phục truyền thống trong các hoạt động văn hóa, sự kiện ngoại giao”.
01/6/2023
Nguyễn Duy Xuân (tổng hợp)