Phóng sự điều tra nhiều kỳ của Trần Duy Khánh - Uyển Nhi (Báo Thanh niên)
Kỳ 1 - Tội ác trong một mái ấm
Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Vừa qua, Thanh Niên đã tiếp nhận phản ánh từ bạn đọc về tình trạng ngược đãi trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng (L52 Tô Ký, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM).
Đây là một mái ấm tình thương tư nhân nhận nuôi trẻ em mồ côi do bà G.T.S.H làm chủ, mở cửa từ 8 - 20 giờ hằng ngày, để nhà hảo tâm đến thăm trẻ em và đóng góp từ thiện. Nhưng khi đóng cửa, mái ấm này trở thành "địa ngục trần gian" đối với những đứa trẻ.
Mái ấm Hoa Hồng (Q.12, TP.HCM) nơi xảy ra các vụ bạo hành trẻ
Từ phản ánh của bạn đọc, Báo Thanh Niên đã quyết định vào cuộc điều tra để lột trần nạn bạo hành trẻ nhỏ ở mái ấm này.
Hành hạ trẻ sơ sinh da còn đỏ hỏn
Mái ấm Hoa Hồng nuôi dưỡng gần 100 trẻ em mồ côi được chia thành 3 nhóm: trẻ sơ sinh (lớn nhất khoảng 8 tháng tuổi), trẻ từ 1 - 2 tuổi và trên 2 tuổi. Trong đó, phòng trẻ sơ sinh của mái ấm có khoảng 20 trẻ, bé lớn nhất khoảng 8 tháng tuổi, bé nhỏ nhất chưa đầy 1 tháng. Từ đêm đến sáng hôm sau, mỗi ngày, bảo mẫu tên Tuyền (47 tuổi) không ngừng hành hạ trẻ sơ sinh.
Khoảng 21 giờ tối 30.7, bà Tuyền cho bé gái (khoảng 4 - 5 tháng tuổi) uống sữa thì bé bị sặc. Bực tức, bà Tuyền xách 1 tay bé gái ném lật úp xuống nệm, rồi tát mạnh vào đầu, đấm liên tiếp vào gáy bé, rồi bỏ đi.
Bé trai (7 tháng tuổi) bị bà Tuyền ngồi lên người, nhéo lỗ tai, bạo hành dã man. Em bé đau đớn, hai tay nắm chặt tấm nệm. ẢNH: UYỂN NHI - TRẦN DUY KHÁNH
Tương tự, 4 giờ 11 ngày 31.7, bà Tuyền đang xem điện thoại thì bé gái (chưa đầy 1 tháng tuổi, da còn đỏ) khát sữa, khóc. Bà Tuyền bật dậy hét "mày la cái gì", rồi tát mạnh vào đùi rồi nhéo miệng khiến bé giãy giụa, khóc thét. Khoảng 1 giờ sau, bé gái (hơn 1 tháng tuổi) đang nằm úp, quấy khóc làm ảnh hưởng giấc ngủ của bà Tuyền nên bà bực tức, nhéo lỗ tai, rồi nắm 1 chân bé kéo ngược lại, chửi: "M... mày hôi quá". Vì xương còn yếu, nên chân của bé chuyển hướng nhưng phần đầu chưa thể lật theo. Thấy vậy, bà Tuyền hất mạnh đầu bé văng qua một bên rồi bóp miệng, nhéo lỗ tai, lắc lắc đầu bé, rồi đút sữa.
Lúc 5 giờ 34 ngày 2.8, bé gái (chưa biết lật) đang quấy khóc thì bị bà Tuyền nắm 1 chân kéo, rồi xô úp mặt xuống nệm, đánh vào bắp chân; tiếp đó 21 giờ 41 cùng ngày, bà Tuyền nắm chặt cổ tay bé trai sơ sinh (khoảng 1 tháng tuổi) nhấc bổng bé lên cao. Do không được bế đúng cách, cổ yếu nên đầu bé ngã ngửa, khóc điếng.
Em bé (khoảng 1 tháng tuổi) da còn đỏ hỏn (nhóm trẻ còn quấn khăn) bị bà Tuyền thẳng tay đánh đập. ẢNH: UYỂN NHI - TRẦN DUY KHÁNH
Rạng sáng 3.8, bà Tuyền vừa chửi vừa bạo hành bé gái (khoảng 1 tháng tuổi, còn quấn khăn) bằng cách đánh mạnh vào đùi, kéo 2 tay bé bật dậy, thay bỉm, rồi ném mạnh xuống nệm. Thấy em bé khóc dữ dội, bảo mẫu này tiếp tục nhấc bé lên cao, rồi ném úp xuống. Suốt quá trình thâm nhập, PV ghi nhận bà Tuyền thường hay dùng cách lật úp trẻ sơ sinh lại để "trị" trẻ quấy khóc.
4 giờ ngày 3.8, bé gái 1 tháng tuổi (đang quấn khăn) quấy khóc nên bị bà Tuyền ném úp xuống, mặt bé úp dưới nệm. Sợ bé bị ngạt thở, bà Tuyền bóp, lắc mạnh đầu bé sang một bên.
Lúc 5 giờ 27 sáng 3.8, bà Tuyền đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng khóc của bé gái hơn 20 ngày tuổi (vẫn còn quấn khăn). Với động tác dứt khoát, bảo mẫu này xách một bên vai của bé và ném úp xuống nệm khiến bé thở khó khăn và liên tục cựa quậy. Thấy thế, bà bóp đầu bé, xoay nghiêng qua một bên.
Cạnh đó, một bé trai yếu ớt trườn người rơi ra khỏi nệm nên bà Tuyền nắm một tay xách bé lên cao, rồi ném mạnh xuống nệm. Lực ném mạnh, lúc chạm nệm thì tay phải bé bị gập ngược ra phía sau khiến em bé nằm im, gào khóc trong đau đớn. Thấy vậy, bà liền tát mạnh vào người khiến bé văng qua một bên.
Suốt thời gian thâm nhập, chúng tôi ghi nhận không biết bao nhiêu lần bà Tuyền xách tay trẻ sơ sinh ném, bạo hành trẻ sơ sinh da còn đỏ hỏn.
Đánh đến chảy máu miệng
20 giờ 16 ngày 31.7, bà Tuyền xách 1 tay bé trai (khoảng 4 tháng tuổi, mới tập trườn) ép ngồi, đứa bé yếu ớt gục xuống. Bảo mẫu chỉ trỏ vào đầu bé, mắng. Đứa bé mếu khóc thì bị bà tát thẳng vào mặt, nhấn đầu xuống và chửi: "Nó khóc vậy chứ đưa sữa nó không uống, m... mày".
Bà Tuyền dạy chúng tôi cách trị trẻ quấy khóc: "Nó rên hoài luôn thì em phải dùng biện pháp mạnh, đánh cho nó đau. Đứa nào lì, em cứ kệ nó đi, để đó chị trị cho. Em phải đánh vô đít, tay, đùi cho nó thiệt đau, nó khóc điếng, rồi buông ra nó mệt thì nó ngủ. Em thấy thằng Nghĩa, chị quất cho mấy cái, nó rên rên. Ban ngày mình mới sợ, ban đêm đâu còn khách (tức nhà hảo tâm - PV) nữa đâu nên không sợ. Ban đêm, em đánh nó, tới sáng nó hết đỏ, hết thấy dấu tay rồi".
Bị bạo hành nhiều nhất có thể kể đến là bé Nghĩa (khoảng 8 tháng tuổi), lớn nhất phòng. 6 giờ 32 sáng 31.7, bà Tuyền đang thay tã cho một bé gái. Thấy bé Nghĩa bò tới bên cạnh, khóc thì bà Tuyền tát, đấm liên tiếp 7 cái vào người bé và chửi: "M... mày, mày rên, tao cho mày rên nè, lỡ rồi, mày rên không, rên không".
Đến 21 giờ 50 tối 31.7, đa số các bé trong phòng đã ngủ, bà Tuyền đi vệ sinh vào thấy bé Nghĩa đang bò chơi không chịu ngủ thì đến tát mạnh vào bụng bé làm bé ngã ra đất, co rúm lại, khóc ngất.
2 giờ 7 ngày 1.8, bà Tuyền đang cho các bé sơ sinh uống sữa thì bé Nghĩa khóc vì ngứa. Lúc này, bà Tuyền tiếp cận xách tay bé lật ngược người lại, rồi tát mạnh vào má trái làm bé Nghĩa khóc điếng. Bà Tuyền nhét bình sữa vào miệng trong lúc đứa bé đang giãy giụa, quay đầu sang một bên thì bị bà Tuyền tiếp tục tát mạnh vào má phải và chửi: "M... mày không chịu ngủ". Chưa dừng lại, bà Tuyền đánh mạnh vào đầu bé, rồi xách một tay bé lên, ném xuống nệm và tát tới tấp khiến bé đau đớn, mặt sưng vù.
1 giờ 52 ngày 3.8, Nghĩa lăn khỏi nệm khiến bà Tuyền bực tức. Bà nắm 2 lỗ tai kéo bổng bé lên rồi đập mạnh xuống nệm. 4 giờ 41 phút, thấy bà Tuyền đang cầm bình sữa, bé Nghĩa yếu ớt trườn tới thì bị bà Tuyền nhéo lỗ tai, nhấn đầu và ném đi. 4 phút sau, thấy Nghĩa chưa ngủ mà bò trên sàn nhà, nên bà Tuyền đấm vào lưng bé, sau đó xách 1 tay lên rồi ném bé lên nệm. Gần đó, một bé trai khác (chưa biết lật) đang khóc thì bị bà này tát vào đùi khiến đứa bé giãy nảy. Lúc này bé Nghĩa bò vào phần nệm của bà nên bà xách 1 tay, ném Nghĩa từ độ cao khoảng nửa mét khiến bé đau đớn và khóc dữ dội.
5 giờ 11 ngày 3.8, bé Nghĩa khát sữa khóc làm bà Tuyền bực tức, bà bật dậy tát thẳng vào mặt bé. 6 giờ 33 cùng ngày, bé Nghĩa đang ngồi chơi thì bà Tuyền vô cớ tát liên tiếp vào tay, vai và nhéo lỗ tai làm bé trai khóc nấc. 6 giờ 36 sáng 3.8, hai em bé chơi với nhau thì bé gái cào trúng mặt bé trai. Lúc này, bà Tuyền kéo, tát, đấm vào chân, 2 vai của bé. Cạnh bên, bé Nghĩa tiếp tục bị bảo mẫu kéo 1 tay bổng lên cao, rồi ném mạnh xuống nệm.
Đỉnh điểm, trong các lần bạo hành, lúc 20 giờ 50 ngày 4.8, bà Tuyền tát liên tiếp vào mông, đùi bé Nghĩa, sau đó nắm 2 lỗ tai xách Nghĩa lên cao, vứt mạnh xuống. Bé Nghĩa khóc lên thì bà Tuyền tiếp tục tát tới tấp vào nhiều vị trí trên cơ thể bé, rồi lại ném bé qua một bên, nói "chỉ có như vậy mày mới chịu ngủ". Sau cuộc bạo hành này, bé Nghĩa bị thương, miệng chảy nhiều máu, nước mắt giàn giụa và tiếng khóc em đã khàn đi. Chưa dừng lại, đến 21 giờ 17 cùng ngày, bé Nghĩa tiếp tục bị bà Tuyền hành hạ, dồn vào góc tát liên tiếp.
Gần 2 tháng chứng kiến những hành vi bạo hành các em, nhiều lần chúng tôi muốn can thiệp, ngăn chặn, nhưng vẫn phải kìm nén, lén giấu đi những giọt nước mắt căm phẫn, để ghi lại những chứng cứ chân thực nhất, lột tả nạn bạo hành dã man của những người mang danh "bảo mẫu" ở mái ấm này.
Link gốc: https://thanhnien.vn/toi-ac-trong-mot-mai-am-18524090322594226.htm
Kỳ 2: Tội ác trong một mái ấm: Những trận đòn chí mạng
Không chỉ nhóm trẻ sơ sinh, hàng loạt trẻ em khác (độ tuổi từ 1 - 4 tuổi) ở Mái ấm Hoa Hồng (L52 Tô Ký, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM) cũng bị các bảo mẫu hành hạ không thương tiếc.
Cụ thể, 2 nhóm trẻ khác cũng bị bảo mẫu Tuyền (47 tuổi), Cẩm, Loan, Huyền và Ba bạo hành, đó là trẻ em từ 1 - 2 tuổi và trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Bóp mũi, nhét thuốc vào miệng đến chảy máu
Khoảng 22 giờ ngày 24.7, bảo mẫu Cẩm (47 tuổi, quê Đồng Nai) cho bé trai (khoảng 2 tuổi) uống thuốc nhưng bé không chịu uống. Lúc này, bảo mẫu Loan tiến lại chửi: "M... mày uống thuốc cũng khóc", rồi dùng 2 tay bóp mũi và miệng bé; còn bà Cẩm kẹp chặt chân tay bé, rồi đè đổ thuốc. Bị nhét thuốc trong lúc đang khóc làm em bé bị sặc, cơ thể giãy giụa.
Khuya 25.7, trong lúc dùng thuốc nhỏ mắt cho một bé trai (khoảng 1 tuổi), bảo mẫu Cẩm bất ngờ tát tới tấp vào mặt khiến em bé khóc lớn, mặt sưng đỏ.
Khuya hôm sau, khi cho 1 bé trai (hơn 1 tuổi) uống thuốc, bảo mẫu này đặt bé nằm ngửa rồi ngồi lên người, 2 chân bà kẹp chặt 2 tay, không cho đứa trẻ giãy giụa, rồi bóp mũi để bé há miệng để bà nhét ly thuốc vào miệng bé. Thấy đứa bé liên tục ho sặc sụa, cố giãy để thoát ra, bảo mẫu càng mạnh tay, đè chặt ly nhựa vào miệng bé khoảng 1 phút khiến em bé đau đớn, chảy nhiều máu miệng. Đáng sợ hơn, bà còn đắc ý: "Ha ha, tao chưa thấy ai uống thuốc mà chảy máu răng như mày".
Gần 23 giờ khuya 27.7, lúc cho bé trai (1,5 tuổi) uống thuốc, bà Cẩm cũng bóp miệng, tát vào mặt, đùi khiến bé khóc ngằn ngặt. Vừa đánh, bảo mẫu vừa chửi: "Mày đạp, tao cho mày đạp". Bảo mẫu Loan chứng kiến và nói: "Nó đang khóc, nhét thuốc vô nó sặc ói là đúng rồi".
Tối 23.8, lợi dụng căn phòng tắt đèn tối om, không ngại người lạ như chúng tôi, bà Cẩm thẳng tay tát vào giữa mặt và nhiều vùng trên cơ thể của một bé trai khiến em khóc điếng. Trong đêm đó, chúng tôi ghi nhận cảnh nhiều trẻ em là nạn nhân tương tự.
Sáng sớm hôm sau (24.8), bà Cẩm lại dồn một bé trai vào góc tường, đánh tới tấp và chửi: "Mày hả, mày hả, mày hả…", rồi bà nắm tóc, đè đầu bé trai xuống đất để nhét đồ ăn. Ít phút sau, bà Cẩm rút ống nhựa trong cây lau nhà ra, thẳng tay đánh một bé trai khác.
Sống trong nước mắt
Nhiều ngày tiếp xúc, dần quen với sự có mặt của chúng tôi, bảo mẫu Cẩm bắt đầu lơ là cảnh giác, thẳng tay bạo hành trẻ. Thậm chí, bà còn dạy chúng tôi cách bạo hành trẻ: "Em phải đánh mạnh vào, cho tụi nó cái chát thì nó mới sợ", dứt câu bà tát tới tấp vào mông, đùi, vai của bé trai đang nằm cạnh bà. Vừa đánh, bà vừa chửi: "Đ… mày, vậy mày mới chịu".
Lúc 0 giờ 18 ngày 25.8, một số bé thức giấc, nằm lăn lộn không chịu ngủ, bà Cẩm "mở chiến dịch bạo hành" ngay trong đêm khiến hàng loạt trẻ khóc điếng, nước mắt giàn giụa. 10 phút sau, căn phòng tối om phát lên tiếng khóc thất thanh của bé trai, cùng tiếng chan chát phát ra từ phía nhà vệ sinh. Tiếp cận nhà vệ sinh, chúng tôi bàng hoàng khi chứng kiến cảnh bà Cẩm đang bạo hành kinh hoàng nạn nhân bằng một chiếc đũa dài làm bằng gỗ. Tại đây, bà Cẩm đặt bé trai nằm dưới sàn nhà vệ sinh, rồi dùng chiếc đũa đánh gần 30 cái vào 2 lòng bàn chân em.
Hằng ngày, trong lúc thay tã, các em bé đều bị bà Cẩm đánh và dường như lâu ngày hành động này trở thành thói quen của bà.
Sáng sớm 25.8, bà Cẩm đang thay tã cho bé gái thì một bé trai nằm lăn lóc. Bất ngờ, bà này tát mạnh vào đùi bé gái dù em bé rất ngoan và nói: "Mày nằm im đây, tao tới quất thằng này cái". Vừa dứt câu, bà Cẩm lao đến, đánh tới tấp vào lưng bé trai, rồi xách 1 tay bé đi... tiếp tục đánh vào mông, đùi.
7 phút sau, bà Cẩm bất ngờ tát mạnh vào mặt một bé trai ngồi đối diện làm em bật ngửa và nói: "Nãy tao thay tã cho mày thì mày chạy, giờ tao không thay, sao mày không giỏi chạy đi", rồi quay sang bà đánh vào lưng một bé trai khác, kéo một chân làm đầu em đập xuống đất phát ra tiếng va chạm mạnh rồi bà chửi: "Mày nhỏ mà mày láu cá nè".
Khoảng 6 giờ ngày 25.8, một nhóm trẻ đang ngồi chơi, không quậy phá nhưng bất ngờ bị bà Cẩm thẳng tay dùng bình sữa vụt tới tấp vào vai, ngực, tay, chân khiến các bé khóc điếng, bỏ chạy.
Tiếp đó, bà Cẩm nắm chân một bé gái kéo trên sàn nhà rồi tát tới tấp. Bà tiếp tục nắm chân, ném lật bé lại làm đầu bé đập mạnh xuống sàn nhà. 6 giờ 50 cùng ngày, bà Cẩm đang thay đồ cho các bé thì bé T. (gần 2 tuổi) ngồi phía sau, chân nghịch quần áo. Bà Cẩm quay lưng lại chửi: "M... mày", rồi nhéo, đánh và ngồi luôn lên chân bé khiến em bé khóc lớn. Bà Cẩm quát tháo: "M... thằng này lì", rồi dắt tay bé trai tới trước cửa nhà vệ sinh, xô ngã nằm xuống sàn. Bà lấy ra chiếc đũa gỗ, đánh liên tiếp 40 cái vào 2 lòng bàn chân em bé làm đứa bé la khóc dữ dội...
Sáng 25.8, chúng tôi ghi nhận hành vi bạo hành trẻ em của bà Cẩm kéo dài suốt 1 giờ đồng hồ. Có nhiều bé sợ bà Cẩm đến độ chỉ cần thấy bà lại gần, bé liền tự nằm co lại, 2 tay ôm đầu. Một số trẻ khác học theo hành vi bạo hành của bà Cẩm, hễ có bạn bị bảo mẫu đè ra sàn là các em vây lại, đá, đánh, có bé còn chửi tục. Thấy các bé làm theo hành động của bà Cẩm, chúng tôi đến ngăn cản thì bà nói: "Đứa nào càng khóc thì càng bị mấy đứa nhỏ đánh theo".
Sáng 26.8, bà Cẩm còn dùng cán cây lau nhà đập thẳng vào đầu bé gái khiến em bé ngã quỵ, khóc thét. Còn bà Loan thì tát thẳng vào mặt một bé trai khác khi bé nghịch túi rác.
Tại phòng trẻ từ 2 tuổi trở lên, PV cũng ghi nhận bảo mẫu Huyền bạo hành các bé bằng cán chổi, lược chải tóc; còn bảo mẫu Ba thường kéo 1 tay các bé, chửi, hăm dọa. Những trận đòn này khiến các bé sợ hãi, khóc nghẹn, tay bóp chặt miệng…
Link gốc: https://thanhnien.vn/toi-ac-trong-mot-mai-am-nhung-tran-don-chi-mang-185240903231412062.htm
Kỳ 3: Tội ác trong một mái ấm: Dạy trẻ cách bạo hành
Các bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng (L52 Tô Ký, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM) không chỉ bạo hành trẻ em mà còn dạy trẻ cách đánh đập lẫn nhau. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn và sử dụng thực phẩm chức năng cho trẻ cũng vô cùng bất thường.
HẬU QUẢ VÔ CÙNG NGUY HIỂM
Trong thời gian thâm nhập, nhiều ngày ở phòng trẻ sơ sinh (dưới 1 tuổi), PV Báo Thanh Niên phát hiện bà Giáp Thị Sông Hương (người đại diện pháp luật của cơ sở này) và bảo mẫu Tuyền (47 tuổi) thường xuyên cho các bé uống thực phẩm chức năng không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất... Cụ thể, lúc 23 giờ, ngày 28.7, khi các bé sơ sinh không chịu ngủ, bà Sông Hương liền lấy các gói thực phẩm chức năng cho từng bé uống, rồi còn nói: "Uống cái này, chúng nó ngủ ngon". Sau khi uống, các bé ngủ li bì, đêm ít quấy khóc. Tiếp đó, lúc 0 giờ 30, ngày 30.7, thấy bé sơ sinh quấy khóc, bà Tuyền nhanh tay mở gói thực phẩm chức năng đút cho bé uống hết. Bảo mẫu nói: "Mày đợi đi, mày đợi mẹ mày rước mày về nè con".
Theo ghi nhận của chúng tôi, gói thực phẩm chức năng này tên Siro Ho O.V, công dụng giảm ho, giảm đau họng, rát cổ… Tuy nhiên, theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì, không có mục nào đề cập dùng cho trẻ sơ sinh, mà chỉ dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, với liều lượng 1 gói x 2, 3 lần/ngày. Đại diện các nhà thuốc lớn ở TP.HCM đều khẳng định loại siro này là thực phẩm chức năng dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, bắt buộc phải dùng đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Nếu dùng sai có thể ảnh hưởng đến hô hấp của trẻ sơ sinh.
Về vấn đề này, một bác sĩ của Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết trong Siro Ho O.V có thành phần Eucalyptol. Theo quy định dược điển thì Eucalyptol không dùng cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nên nhà sản xuất phải chỉ định dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Nếu dùng không đúng độ tuổi, cùng với liều lượng không phù hợp sẽ gây ức chế đường hô hấp, làm em bé không thể thở, hậu quả vô cùng nguy hiểm.
Bà Cẩm dùng bịch khăn ướt (có vỏ nhựa cứng) đập vào đầu, lưng đứa bé. ẢNH: UYỂN NHI - TRẦN DUY KHÁNH
Bà Cẩm dùng cán cây lau nhà đánh vào đầu đứa trẻ. ẢNH: UYỂN NHI - TRẦN DUY KHÁNH
Trong suốt quá trình thâm nhập, chúng tôi nhận thấy các bé thường xuyên bị bệnh tiêu chảy, đau mắt đỏ hàng loạt. Theo lời các bảo mẫu và từ quan sát thực tế của PV, hầu hết trẻ tại mái ấm phải uống chung các bình sữa và sữa thường để quá giờ sử dụng. Ngoài ra, nhóm trẻ sơ sinh không uống loại sữa cố định mà phải uống ngẫu nhiên, như: hôm thì uống loại dành cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi, hôm thì loại sữa dành cho trẻ trên 6 tuổi, thậm chí cả sữa dành cho người cao tuổi... Sữa bột pha xong, sữa mẹ (xin của những người mẹ thiện nguyện), cháo được đặt ngay cạnh nhà vệ sinh, không nắp đậy. Sữa uống không hết, bảo mẫu sẽ trút vào chung 1 bình, rồi chuyền cho hàng chục đứa bé uống chung. Uống xong, tất cả bình sữa được đựng trong thau nhựa để trên bồn cầu của nhà vệ sinh trông rất nhếch nhác.
Chúng tôi hỏi: "Không rửa bình như vậy các bé tiêu chảy thì sao?". Bảo mẫu Tuyền cho hay: "Bà Sông Hương bảo tôi không cần rửa bình thì tôi làm theo. Có bình từ buổi chiều chưa rửa, cũng có bình không biết bao lâu chưa được rửa".
Không chỉ vậy, khẩu phần ăn của trẻ tại mái ấm khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Mỗi ngày, hàng chục trẻ em phải tranh nhau ăn chung bát cơm trắng; hôm nào may mắn lắm sẽ được chan thêm nước tương, mì gói trộn cơm hoặc miến băm nhỏ, một ít thịt. Bé nào lanh lẹ, tranh giỏi thì được ăn nhiều và ngược lại.
"CHỈ DẪN" BẠO HÀNH
Thời gian làm việc tại mái ấm, PV kinh hoàng chứng kiến cảnh các bảo mẫu thẳng tay bạo hành, mắng chửi trẻ và thậm chí dạy trẻ cách bạo hành lẫn nhau.
Ca đêm tại phòng trẻ từ 1 - 2 tuổi, bảo mẫu Cẩm (47 tuổi) liên tục đánh đập và chửi bới các bé. Trẻ nào khóc, không ngủ, ngay lập tức bị bà Cẩm đánh vào mặt, đùi kèm những câu mắng nhiếc nặng nề. Tiếng la hét thậm tệ mỗi ngày của bà Cẩm khiến đám trẻ luôn sống trong sợ hãi. Hình ảnh đau xót hiện rõ hơn khi một số đứa trẻ thấy bà Cẩm lại gần, liền nằm sạp xuống nền nhà, co ro và 2 tay ôm đầu.
Càng quặn lòng hơn, khi chúng tôi phát hiện một vài đứa trẻ đang tập nói, bập bẹ bắt chước chửi thề và đánh bạn: "Câm mồm, mày khóc tao đánh gãy răng".
Thấy chúng tôi là người mới và hiền lành, nên bà Cẩm dạy cách "trị" trẻ: "Em tới đập mạnh cho chị mỗi đứa mấy cái vào đùi. Em mà hiền là tụi nó ăn thịt em luôn á". Một hôm khác, thấy các bé ồn ào, bảo mẫu Cẩm nói với chúng tôi: "Chị đã nói em đập mạnh cho chị, đập vào tay nó mạnh lên", "Mày lấy đũa quất cho thằng Cá Lóc mấy cái coi"...
Bảo mẫu Tuyền thậm chí còn dạy chúng tôi cách "trị" những trẻ sơ sinh, da còn đỏ hỏn: "Nó rên hoài luôn thì em phải dùng biện pháp mạnh, đánh cho nó đau. Đứa nào lì, em cứ kệ nó đi, để đó chị trị cho. Em phải đánh vô đít, tay, đùi cho nó thiệt đau, nó khóc điếng, rồi buông ra nó mệt nó ngủ. Em thấy thằng Nghĩa (bé trai khoảng 8 tháng tuổi), chị quất cho mấy cái, nó rên rên. Ban ngày mình mới sợ, ban đêm đâu còn khách (nhà hảo tâm - PV) nữa đâu nên không sợ. Đêm em đánh nó, tới sáng là nó hết đỏ, hết thấy dấu tay rồi".
Ngày 7.8, chúng tôi được bà Sông Hương phân công chăm những đứa trẻ trên 2 tuổi ở phòng 102 cùng bảo mẫu Huyền. Chỉ một buổi tối ở tại đây, chúng tôi nhiều phen nổi da gà khi chứng kiến bé B. (12 tuổi, con nuôi bà Hương) dùng chổi đánh những đứa trẻ không chịu ngủ, giống với cách bảo mẫu Huyền đánh đập các bé.
"Ai chỉ em cách đánh mấy đứa nhỏ vậy", chúng tôi hỏi. Bé B. nói: "Cô Huyền dạy em lấy chổi đánh mấy đứa nhỏ. Đứa nào lì cô sẽ kêu em qua xử. Cô chỉ em lấy chổi đánh vào chân nó. Có khi em tức quá, em đánh vào đùi, nó khóc luôn. Cô Huyền còn nói mày cầm chổi chọc vào họng nó là nó im. Cô Huyền còn dạy em đứa nào hư thì vả vào mồm nó nên em vả thiệt luôn, chảy máu luôn. Cô nói vả thật mạnh vô, tụi nó không sợ đâu và không bị gì đâu. Em nghe cô nói vậy, em bụp một cái, nguyên bàn tay in luôn, máu mũi văng tung tóe".
Chúng tôi liền hỏi tiếp: "Lúc đó, cô Huyền biết không?". B. vô tư: "Biết chứ, nhưng cô Huyền không nói gì hết. Cô Huyền kêu em lấy chai dầu và lấy thuốc 7 màu bôi lên là không thấy dấu tay". "Đứa nào quậy nhiều, cô Huyền sẽ nắm tóc nhúng đầu vào nước. Em thì không dám làm, lỡ nó nghẹt thở nó chết thì sao. Cô Huyền lôi đầu tụi nó rồi nhúng vô nước rồi tát nó vài phát nữa. Quậy bình thường thì cô Huyền dùng vá múc canh quất vô mắt cá luôn. Em cũng làm theo, cô chỉ tới đâu thì em làm tới đó. Còn những đứa quậy ít thì đánh bằng cây chổi, bằng tay", B. kể...
Một số lần chứng kiến cảnh trẻ bị đánh đập, hành hạ, chúng tôi vô cùng đau xót, phẫn nộ và can thiệp nhưng có lúc ngăn chặn kịp thời, có lúc không ngăn chặn được vì hành động bạo hành xảy ra rất nhanh hoặc bảo mẫu phớt lờ...
Chính quyền vào cuộc quyết liệt
Ngày 4.9, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung ký công điện đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc do Báo Thanh Niên phản ánh và thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực tại cơ sở nêu trên. Đồng thời, thực hiện công tác điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở này. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng đề nghị rà soát, thanh kiểm tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở hoạt động không đăng ký, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
Cùng ngày, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy giao UBND Q.12 chủ trì, phối hợp Sở LĐ-TB-XH, Công an TP.HCM và các đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để răn đe đối với hành vi ngược đãi, bạo hành, xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB-XH có trách nhiệm phối hợp Sở TT-TT, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM và các sở, ban, ngành cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra để phát hiện kịp thời và ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em trên địa bàn.
6 giờ ngày 4.9, PV Thanh Niên đến Công an P.Trung Mỹ Tây trình báo vụ việc. Ngay sau đó, Công an Q.12, Công an P.Trung Mỹ Tây phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM cùng UBND P.Trung Mỹ Tây, UBND Q.12 tiến hành kiểm tra và mời nhiều người trong Mái ấm Hoa Hồng về trụ sở làm việc. Chiều cùng ngày, PC02, Công an Q.12 đến Tòa soạn Báo Thanh Niên đề nghị phối hợp cung cấp thông tin, chứng cứ để phục công tác điều tra, tố tụng.
Cùng ngày, Sở LĐ-TB-XH phối hợp UBND Q.12 và công an xác minh, làm rõ những vi phạm tại Mái ấm Hoa Hồng và bước đầu đã xác định có sai phạm. Lãnh đạo UBND Q.12 cho biết đã tạm đình chỉ hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng để rà soát toàn diện hoạt động cũng như để phục vụ công tác điều tra, xác minh. Về giải pháp trước mắt, UBND Q.12 và Sở LĐ-TB-XH thống nhất phương án đưa toàn bộ trẻ vào các cơ sở bảo trợ xã hội công lập để đảm bảo an toàn, đủ điều kiện chăm sóc tốt nhất cho trẻ. "Quận sẽ tiếp tục làm việc với những người bên trong cơ sở, củng cố hồ sơ để xử lý, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì sẽ khởi tố. Quận sẽ cương quyết xử lý, không thể chấp nhận hành vi này", lãnh đạo Q.12 khẳng định.
Chiều cùng ngày, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Nguyễn Tăng Minh chủ trì họp báo liên quan vụ trẻ em bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng. Theo ông, vụ việc lần này xảy ra cho thấy trách nhiệm rất lớn của địa phương. Phía Sở đã có công văn yêu cầu UBND Q.12 chỉ đạo Công an Q.12 phối hợp Báo Thanh Niên và các đơn vị liên quan khẩn trương thụ lý, điều tra, xác minh, làm rõ những người có liên quan đến hành vi bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng để sớm đưa vụ việc ra khởi tố, xét xử theo quy định pháp luật. Ngoài ra, UBND Q.12 cần chỉ đạo các đơn vị và cá nhân liên quan làm rõ trách nhiệm trong công tác thẩm định, cấp phép hoạt động và giám sát hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng; làm rõ trách nhiệm của đơn vị và cá nhân liên quan trong việc triển khai, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM và Sở LĐ-TB-XH về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng.
Trong công văn gửi Báo Thanh Niên chiều cùng ngày, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM gửi lời cảm ơn đến Ban Biên tập Báo và nhóm PV đã phản ánh thông tin kịp thời.
Những thông tin về sự vào cuộc xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng sẽ được Thanh Niên tiếp tục truyền tải đến bạn đọc vào những số báo tiếp theo.
Link gốc: https://thanhnien.vn/toi-ac-trong-mot-mai-am-day-tre-cach-bao-hanh-185240905001434624.htm
Trần Duy Khánh - Uyển Nhi
(Báo Thanh niên)